TIN THỦY SẢN

Thừa Thiên Huế: Chỉ đáp ứng 10% con giống tại chỗ

Hình thành được chuỗi liên kết, nuôi tôm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN Thương Lê

Nếu xét về thị trường, cung ứng tôm giống ở Thừa Thiên Huế đang là một thị trường béo bở. Cứ nhìn qua mọi mặt hàng, tất cả đều cạnh tranh rất cao và quyết liệt. Thế mà thị trường cung ứng tôm giống ở ta lại đang “bỏ ngỏ”.

Theo dõi qua báo chí, năm nào tôi cũng nghe điệp khúc: thiếu con giống tại chỗ. Trước đây thì thông tin cho rằng, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn chỉ đáp ứng chừng 30 – 40%. Còn lại, người nuôi phải mua từ các tỉnh khác. Bước vào vụ nuôi năm nay, thông tin từ ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết, chỉ đáp ứng chừng 10% con giống tại chỗ.

Có mặt hàng nào kinh doanh “sướng” như vậy không? Làm ra được bao nhiêu bán được bấy nhiêu. Vấn đề là tại sao chúng ta cứ kêu về con tôm giống mà không kêu về các con giống khác? Nhiều cơ sở nuôi gà chuyên nghiệp cũng nhập giống từ nơi khác về. Heo giống, bò giống cũng vậy… Ở đây có một điều gì đó cần lý giải cho thấu đáo chứ không phải đã trải qua hàng chục năm nuôi tôm rồi nhưng đến vụ vẫn cứ “kêu” thiếu giống tại chỗ, thiếu giống an toàn...!

Có thể lý do thiếu giống tại chỗ triền miên nằm ở mấy lý do sau và chúng ta phải phân tích hết sức cụ thể những lý do này:

Chúng ta thiếu những nhà sản xuất giống chuyên nghiệp. Tức là phải đầu tư bài bản, kiểm soát tốt mọi khâu trong quá trình nuôi. Trước đây, toàn tỉnh không phải chỉ có 5 cơ sở sản xuất tôm giống như hiện tại mà cả hàng chục cơ sở, nhưng sau đó thì “rơi rớt” dần. Một trong những nguyên nhân chắc chắn là làm ăn thua lỗ. Từ đây chúng ta thấy rằng, sản xuất tôm giống ở trên địa bàn tỉnh là được, nhưng không phải ai làm cũng thành công. Tức là một mặt hàng không dễ. Và ở đây, phải chăng có một điều gì đó trong sự hợp tác. Nói thiếu vốn là hoàn toàn không phải. Xây dựng một cơ sở sản xuất tôm giống cần bao nhiêu tỷ, bao nhiêu chục tỷ đồng? Thừa Thiên Huế không thiếu một nguồn vốn như vậy. Vấn đề là người có kiến thức, đam mê thì không có vốn. Người có vốn thì không quan tâm đến lĩnh vực này mà có thể đầu tư vào những thị trường khác “chắc ăn” hơn, đỡ rủi ro hơn. Nếu mong nâng được lượng tôm giống cung cấp tại chỗ thì phải giải cho được mối quan hệ hợp tác. Phải làm một cách bài bản, khoa học… thì người có vốn mới yên tâm bỏ vốn vào. Nhìn qua các cơ sở sản xuất tôm giống ở Thừa Thiên Huế, thấy quy mô quá nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình. Quy mô như vậy làm sao thuyết phục người có vốn?

Thiếu cơ sở sản xuất giống chuyên nghiệp nên người nuôi tôm phải tự kết nối để mua giống ở tỉnh khác

Chúng ta đang đề cập và mong muốn, cố gắng làm thế nào để sản xuất tôm giống được nhiều hơn, nhưng liệu có cạnh tranh được không là một vấn đề cần nhìn nhận thấu đáo. Về mặt kinh tế, thường sản xuất quy mô nhỏ thì giá thành cao hơn là sản xuất quy mô lớn và cực lớn. Làm lớn mới tận dụng được lợi thế khoa học kỹ thuật, nhân công và nhiều yếu tố đầu vào khác như điện, nước chẳng hạn. Thậm chí là nguồn cung ứng tôm mẹ ổn định và giá cả cạnh tranh. Nếu như thế thì chúng ta đừng băn khoăn là con giống tại chỗ có đáp ứng được hay không mà vấn đề lại chuyển sang con giống mua từ nơi khác về có an toàn không, chất lượng tốt không?

Đừng có nghĩ rằng chất lượng con giống sản xuất ở những nơi khác không tốt bằng con giống sản xuất tại Thừa Thiên Huế. Họ đã làm cả hàng chục năm qua, quy mô của họ rất lớn, họ cung cấp trên một thị trường rộng lớn. Muốn cạnh tranh và tồn tại, phát triển, họ phải tự lo chất lượng rồi, không cần gì đợi đến chúng ta. Như vậy, vấn đề ở đây là làm sao tổ chức mua con giống về với giá thành rẻ nhất, chất lượng tốt nhất, tin cậy nhất.

Tôi xin nêu một ví dụ : Xã A có 200 ha nuôi tôm gồm 200 hộ gia đình cùng nuôi. Khi cải tạo ao để nuôi vụ mới thì 200 hộ đó làm đồng thời, thống nhất mua con giống ở một vùng nào đó đưa về và nuôi thả một lần. Tôi tin chắc rằng, mua với một số lượng lớn như vậy thì cơ sở cung cấp con giống nào cũng cần chúng ta. Có thể giá mua sẽ rẻ hơn, chi phí vận chuyển sẽ rẻ hơn… Để làm được điều đó cần phải hợp tác. Thậm chí là ký cam kết đặt hàng trước lượng con giống cần mua. Ở đây bà con chúng ta không hợp tác, mạnh ai nấy mua, mạnh ai nấy làm… Cách làm này thấp thoáng tính cò con nhỏ lẻ. Trước đây tôi có nghe đến HTX thủy sản, không biết bây giờ nó còn tồn tại không. Liên minh các HTX phải nghiên cứu để giúp người dân về khâu này – khâu hợp tác, thay vì cứ vào vụ là kêu con giống, rồi tìm cách kêu gọi Nhà nước hỗ trợ cái này cái kia...

Thương Lê Báo Thừa Thiên Huế