TIN THỦY SẢN

Thừa Thiên Huế: Giá rét gây bất lợi cho thủy sản nuôi

Người dân Hương Phong (Hương Trà) chăm sóc thủy sản Hoàng Triều

Một số loại thủy sản nuôi thời điểm này là vụ chính, thường mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên đang gặp thời tiết giá rét gây bất lợi.

Hơn một tuần nay, ông Phan Thắng ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) đứng ngồi không yên vì giá rét đang gây nguy hiểm cho thủy sản. Ông Thắng túc trực cả ngày lẫn đêm để canh chừng cá, bằng mọi biện pháp bảo vệ an toàn, tránh thiệt hại. Đến nay đã hơn 6 tháng tuổi, dự kiến thu hoạch bán trong dịp tết sắp đến, chỉ cần sơ suất cá có thể chết, dịch bệnh.

Theo kinh nghiệm của ông Thắng, trong điều kiện giá rét như hiện nay, không cách nào khác ngoài việc triển khai các biệp pháp giữ ấm môi trường ao theo hướng dẫn, quy định của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh. Đó là nâng cao mực nước trong ao và duy trì mực nước tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 1,5m trong suốt mùa đông. Với những ao hồ khó nâng cao mực nước, ông Thắng cho đào hố trong ao để cá trú rét, mỗi ao đào 2- 4 hố tùy theo diện tích ao, hố sâu từ 2- 2,5m tính từ mặt nước, rộng 2- 3m2.

Tạo hang cho cá trú đông cũng là một trong những phương pháp khả quan đối với các loài thủy sản sống tầng đáy như cá chép, cá chạch... Có thể tạo hang bằng cách xếp các bó tre nứa, xếp gạch, đặt ống nhựa ở các góc đáy ao cho cá trú. Các ống tre, ống nhựa có một đầu rỗng, các ống này dài 0,5 - 0,6m, đường kính 15 - 16cm, bó thành từng bó (5- 6 ống/bó).


Người dân Quảng Lợi chăm sóc thủy sản mùa mưa rét

“Việc quản lý môi trường nuôi nhằm duy trì các yếu tố thủy lý, thủy hóa, thủy sinh ổn định, thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản... Tôi thường bón vôi mỗi lần 2kg/100m2 ao (cách 15-20 ngày bón một lần) để ổn định độ pH trong ao, duy trì môi trường sinh vật ổn định”, ông Thắng nói.

Một hộ nuôi khác ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền), ông Nguyễn Thành chia sẻ: Dọn sạch cỏ, rác quanh ao, thức ăn thừa tránh làm ô nhiễm môi trường nước cũng là một trong những biện pháp bảo vệ thủy sản trong mùa rét. Ông Thành còn thường xuyên theo dõi mực nước trong ao để cấp bổ sung kịp thời, bảo đảm mực nước ổn định. Định kỳ 15-20 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 25-30% lượng nước trong ao. Không dùng phân chuồng cho xuống ao (kể cả bón lót) vì mùa đông phân hủy chậm, dễ làm thay đổi môi trường nước, gây nhiễm bệnh cho cá.

Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, chủ động phòng, chống và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho thủy sản do rét đậm, rét hại, TTKN khuyến cáo người dân chủ động, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và lưu giữ cá qua đông theo hướng dẫn của TTKN và cơ quan chức năng.

Ngoài các biện pháp đang được người dân thực hiện cần thả thêm bèo tây 1/3 - 2/3 diện tích mặt ao, hoặc che chắn bằng lưới bạt, giàn cây trên mặt ao để giảm tác động của giá rét. Bà con cần dùng máy sục khí, tạo dòng chảy để lưu thông nước, làm tăng lượng oxy trong ao; có thể thả thêm một số đối tượng sống tầng đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, tránh hiện tượng cá chết ở tầng đáy.

Theo yêu cầu của TTKN tỉnh, cần có chế độ chăm sóc “đặc biệt” cho đàn cá nuôi, ngoài việc theo dõi phải bổ sung thức ăn đủ chất dinh dưỡng, hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao có chứa vitamin C và khoáng chất để thủy sản có đủ sức đề kháng dịch bệnh cũng như khả năng chịu rét. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay, tránh gây thiệt hại. Tuyệt đối không đánh bắt thủy sản khi nhiệt độ dưới 18oC, vì đánh bắt về mùa đông sẽ làm khuấy động môi trường nước trong ao và cá xây xát, dễ nhiễm bệnh, các loại nấm. 

Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 lồng cá nuôi trên sông, đầm phá và hàng trăm ha ao hồ nuôi trồng thủy sản (tôm chân trắng, cá chẽm, mú, dìa, trắm…) sắp thu hoạch phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết cổ truyền. Riêng tại vùng Ngũ Điền (Phong Điền) còn có hơn 400 ha ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, đến nay hơn 3 tháng tuổi, dự kiến chừng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.

Hoàng Triều Báo Thừa Thiên Huế