TIN THỦY SẢN

Thừa Thiên Huế: Nuôi xen ghép tôm - cua - cá đạt hiệu quả cao

Mô hình nuôi xen ghép tôm - cua - cá kình - cá đối vừa đạt hiệu quả cao vừa thích nghi với biến đổi khí hậu. Hoàng Anh

Quảng Phước (Quảng Điền) chọn 15 hộ nuôi để thực hiện mô hình nuôi xen ghép các đối tượng thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH), với diện tích 7,5 ha.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, năm 2018 UBND huyện Quảng Điền bố trí kinh phí cho xã Quảng Phước 110 triệu đồng tổ chức triển khai xây dựng mô hình nuôi xen ghép các đối tượng thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, xã chọn 15 hộ nuôi để thực hiện với diện tích 7,5 ha.

Bà Nguyễn Thị Mừng, thôn Phước Lập chia sẻ: Tham gia mô hình, chúng tôi được Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi xen ghép các đối tượng thích nghi với BĐKH. Nhờ đó, chúng tôi nắm bắt được đặc điểm thích nghi của các đối tượng trên đầm phá ở huyện Quảng Điền, đặc điểm sinh học, quy trình nuôi xen ghép tôm sú – cua – cá đối – cá kình trong ao nước lợ, các bệnh thường gặp và cách phòng trị bệnh, học hỏi quy trình nuôi từ một số địa phương khác.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quảng Điền thông tin: Qua phân tích độ mặn thích ứng với nhiều con giống, nhận thấy cá đối thích nghi với độ mặn từ 2 - 15‰, cá kình thích nghi độ mặn từ 8 - 15‰, cua và tôm cùng thích nghi độ mặn từ 5 - 15‰. Vì thế, giai đoạn đầu người nuôi nên thả nuôi cá đối trước, khoảng một tháng sau khi độ mặn lên ngưỡng 5 - 7‰ thì thả tôm và cua, nửa tháng tiếp theo khi độ mặn lên trên 7‰ mới bắt đầu thả giống cá kình. Với cách làm này, người nuôi sẽ tiến hành thu hoạch từng đợt hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường.

Theo đánh giá của một số hộ nuôi, với việc chuyển đổi từ hình thức chuyên canh tôm sú sang nuôi xen ghép, gồm tôm sú - cá đối - cua - cá kình, con giống phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ở ngưỡng cho phép. Trung bình mỗi ha thu lãi từ 35 - 40 triệu đồng, gấp nhiều lần so với chuyên canh tôm trước đây khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha lại hạn chế được những rủi ro do dịch bệnh, môi trường.

Ông Hoàng Mông, thôn Hà Đồ, xã Quảng Phước cho hay, gia đình được hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi xen ghép tôm cua cá kình trên diện tích 0,5 ha. Vụ nuôi trước, ông tiến hành thả 5 vạn tôm, 1.000 cua và 2.000 cá kình giống. Kết thúc vụ nuôi, ông thu được hơn 200 kg tôm; 10kg cua và 20 kg cá kình với số tiền thu được trên 30 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí cải tạo ao, con giống… thu lãi hơn 15 triệu đồng. Hiện, ông Mông đã triển khai nhân rộng mô hình trên tất cả diện tích gia đình nuôi trồng.

Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên theo khuyến cáo của Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, khi nhân rộng mô hình, người dân cần chọn mua giống chất lượng tại những cơ sở sản xuất uy tín trong, ngoài tỉnh và có kế hoạch ươm nuôi đúng theo khung lịch thời vụ. Hiện nhu cầu giống trên địa bàn mới chỉ đáp ứng 50%, việc vận chuyển giống từ các tỉnh về khá khó khăn, cần có phương án hỗ trợ, nghiên cứu sản xuất giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho người dân.

Hoàng Anh Báo Thừa Thiên Huế