Thuần dưỡng cá suối
Cùng với cua núi, ốc núi, cá chành dục (còn gọi là cá suối) là một trong những món ăn đặc sản mà du khách gần xa không thể bỏ qua khi đến Thiên Cấm Sơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự khai thác ồ ạt để phục vụ du khách, cá chành dục đang dần trở nên khan hiếm. Để bảo tồn nguồn lợi tự nhiên cũng như giữ gìn loài cá đặc hữu của núi Cấm, ông Trần Văn Xe (ngụ ấp Tà Lọt, xã An Hảo, Tịnh Biên) đã nghĩ cách thuần dưỡng loại cá này.
Núi Cấm là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng với núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi. Trên núi có các danh lam thắng cảnh như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm… Dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long… Không những thu hút bởi cảnh quan thiên nhiên, núi Cấm còn nổi tiếng với những món ăn mà khi đến bạn phải thưởng thức ít nhất 1 lần. Ngoài món bánh xèo rau rừng trứ danh, cua núi, ốc núi và gần đây là cá chành dục là những món ăn mà du khách không thể bỏ qua. Tuy nhiên, những năm gần đây, các loại đặc sản trên, đặc biệt là loại cá suối đang hiếm dần do cách đánh bắt tận diệt của người dân nhưng rất may, có người quyết định thuần dưỡng, nhân giống loại cá này.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Xe để tìm hiểu thêm về loài cá này. Hớp ngụm nước, ông Xe cho biết, cá chành dục có mặt ở vùng núi Cấm từ rất lâu. Trước đây, loại cá này không ai bắt, chỉ có một vài hộ câu lên để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, từ khi cua núi, ốc núi trở thành những món đặc sản thì cá chành dục bắt đầu “nổi tiếng theo”. Nếu trước đây, người dân sử dụng cần câu để câu cá, hiện nay đã chuyển sang sử dụng điện mới có đủ số lượng cung cấp cho du khách gần xa. “Cách khai thác theo kiểu tận diệt này khiến số lượng cá chành dục ngày càng ít đi. Thấy vậy, tôi nảy ra ý định thuần dưỡng loại cá này để bảo tồn, giữ gìn nguồn lợi tự nhiên”- ông Xe thông tin.
Theo ông Xe, cá chành dục giống như cá lóc nhưng có kích thước nhỏ hơn rất nhiều, con to nhất chỉ bằng nửa cổ tay người trưởng thành. Cá có đặc điểm là vây lưng, vây đuôi có viền ngoài màu hồng hoặc vàng. Cá có màu xám đen ở mặt lưng và nhạt gần xuống bụng. Khi lớn, vây cá có màu xanh, được nhiều người bắt về để làm cá cảnh. Hiện nay, loại cá này chưa được nuôi phổ biến, chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên. Ông Xe chia sẻ: “Cá chành dục sống chủ yếu ở các con suối nên nhiều người gọi nó là cá suối. Loại cá này thường sống và đi kiếm ăn ở các hang, hốc, kẹt đá, nơi có luồng nước chảy. Khi đẻ, trứng nở ra cá ròng ròng được cá mẹ dẫn đi kiếm ăn từng bầy. Đây cũng là thời điểm dễ săn bắt cá bố mẹ nhất”.
Cá chành dục giống như cá lóc nhưng có kích thước nhỏ hơn. Ảnh: Đức Toàn
Khi được hỏi về giá trị kinh tế của loài cá này, ông Xe cho biết, cá chành dục ở ngoài thị trường có giá thấp nhất cũng khoảng 100.000 đồng/kg. Loại cá này cho thịt thơm, ngon và ngọt đậm giống như thịt cá lóc. Cá được chế biến thành nhiều món ăn, nhưng hấp dẫn nhất là món kho tiêu, nướng trui chấm mắm me hoặc chiên giòn. Cũng nhờ loại cá này mà thời gian qua, gia đình ông Xe được nhiều nhà hàng, công ty du lịch giới thiệu để tham quan, trải nghiệm cảm giác câu cá suối cùng với tham quan vườn cây ăn trái của gia đình. Nhờ vậy, gia đình ông Xe có được nguồn thu nhập đáng kể, cuộc sống cải thiện hơn trước. “Du khách, đặc biệt là khách đến từ TP. Hồ Chí Minh rất thích cảm giác được câu từng con cá và chế biến, thưởng thức tại chỗ. Nhiều người còn mua về nhà để làm cá cảnh hay đem về để làm quà”.
Đối với cư dân khu vực núi Cấm, cá chành dục được cho là nguồn thực phẩm mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho họ, giúp những gia đình nghèo khó trên núi có điều kiện cải thiện bữa ăn. Còn đối với ông Trần Văn Xe, việc thuần dưỡng cá chành dục không phải để làm kinh tế, mà mục đích chính là bảo tồn, giữ gìn loại cá đặc hữu của địa phương.