TIN THỦY SẢN

Thuật ngữ gây hiểu lầm "xổ ký sinh trùng" trên tôm

Tôm dễ dàng bị ký sinh trùng tấn công nếu không có biện pháp phòng vệ. Ảnh: saltstrong.com Thuần Phạm

Xổ ký sinh trùng là một khái niệm không còn xa lạ với người nuôi tôm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số bà con hiểu sai ý nghĩa và chưa biết cơ chế hoạt động của một số thuốc xổ ký sinh trùng. Qua bài viết dưới đây sẽ đề cập rõ hơn về xổ ký sinh trùng.

Một số ký sinh trùng trên tôm  

Nội ký sinh trùng 

Microspora 

Tác nhân gây bệnh được xác định là do kí sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Khi nhiễm vi bào tử trùng nhiều phần trên cơ thể tôm chuyển sang màu trắng đục hoặc trắng sữa. Khi tôm lớn dấu hiệu này càng rõ hơn, đặc biệt ở phần lưng từ gan tuỵ đến phần giữa thân.  

Một số con có hiện tượng đục cơ đốt cuối cơ thể. Bệnh không gây tỷ lệ chết cao tuy nhiên vi bào tử trùng ảnh hưởng đến một số cơ quan khác như gan tuỵ và buồng trứng. Tôm nhiễm vi bào tử trùng thường có khả năng đề kháng kém và khả năng chống chịu stress kém vì vậy chúng dễ dàng bị ăn thịt, chậm lớn và sống sót kém trong quá trình vận chuyển. 

Gregarina 

Gregarines là một nhóm động vật nguyên sinh kí sinh lây lan rộng rãi trên tôm biển với tỉ lệ 10-90%. Hai chi chính được phân lập là Nematopsis và Cephalobolus, chi thứ ba chỉ được mô tả trên tôm chân trắng nuôi thương phẩm là Paraophiodine. 

Gregarine xuất hiện trong ống tiêu hoá của tôm và thường được quan sát thấy nhiều nhất dưới dạng trophozoite hoặc thỉnh thoảng dưới dạng kén (gametocyst). Vòng đời của chúng liên quan đến một số loài động vật không xương sống là kí chủ trung gian như nhuyễn thể hai mảnh vỏ, ốc hoặc giun biển. 

Một số ký sinh trùng trên tôm. Ảnh: biogency.com.vn

Ngoại ký sinh trùng 

Nhóm ngoại kí sinh trùng Cilliata bao gồm Zoothamnium sp., Vorticella sp., và Epistylis sp. 

Sự có mặt của ngoại kí sinh trùng trong ao nuôi phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau như điều kiện hoá lý của môi trường nước. Thông thường, môi trường nước nuôi giàu dinh dưỡng là điều kiện thích hợp cho sự phát triển của ngoại kí sinh trùng, chúng dinh dưỡng bằng cách lọc chất dinh dưỡng hoặc vi sinh vật từ môi trường nước. 

Dấu hiệu nhận biết tôm nhiễm ký sinh trùng 

Tôm nhiễm kí sinh trùng với số lượng ít thường không gây hại nhưng khi nhiễm kí sinh trùng với số lượng lớn tôm thường có hiện tượng: 

- Bơi chậm chạp, tấp bờ nhiều.

- Một số loài kí sinh trùng khi kí sinh thường gây hiện tượng đục cơ ở lưng hay đốt cuối cơ thể (EHP), mất phụ bộ, chậm lớn (EHP),... 

- Tôm nhiễm Haplosporidian thường làm cho gan tôm teo lại, cơ thể nhợt nhạt, tôm chậm lớn… 

- Phân tôm có màu trắng đục, xuất hiện thành từng dãi nổi trên mặt nước hay trong sàn ăn (hội chứng phân trắng), tôm giảm ăn, vỏ óp, mềm, tôm chậm lớn, đường ruột tôm thường bị đứt quãng hay rỗng, tôm có màu sậm bất thường, ruột tôm có màu trắng (white intestine) hay chuyển vàng…là những biểu hiện điển hình khi tôm nhiễm Vermiform và Gregarine. 

Các biện pháp xử lý ký sinh trùng hiệu quả 

Lấy mẫu xét nghiệm 

Nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra loại ký sinh trùng và mức độ nhiễm bệnh của tôm trong ao. 

Xổ ký sinh trùng và diệt khuẩn 

Xổ ký sinh trùng cho tôm theo liều lượng và thời gian khuyến cáo. Sau đó, tiến hành diệt khuẩn môi trường ao nuôi để loại bỏ ký sinh trùng trong nước, tránh nhiễm lại bệnh. 

Thay nước và sục khí 

Thay từ 20% – 30% nước cho ao nuôi và sục khí dưới đáy ao mạnh để cải thiện chất lượng nước và oxy hòa tan. 

Phòng ngừa bệnh ký sinh trùng 

Chọn mua giống chất lượng cao, khỏe mạnh và từ đơn vị cung cấp uy tín. Đồng thời phải qua xét nghiệm và không mang các loại ký sinh trùng gây hại. 

Theo dõi sức khỏe tôm liên tục, quan sát thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh trên tôm và có biện pháp xử lý kịp thời. 

Cải tạo ao nuôi đúng cách trước và trong quá trình nuôi tôm. Đảm bảo môi trường nước ao nuôi luôn sạch sẽ, hạn chế các yếu tố gây ô nhiễm, cung cấp cho tôm một môi trường sống thuận lợi nhất. 

Nguồn nước ao nuôi phải đảm bảo các chỉ tiêu về độ kiềm, độ pH,…đạt mức tối ưu, đảm bảo tôm phát triển tốt nhất. 

Tôm thẻ thương phẩm. Ảnh: tomgiongchauphi.com

Sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn trong nuôi tôm, giảm tác nhân gây ra các mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe của tôm và an toàn sức khỏe người tiêu dùng, thúc đẩy quá trình phân hủy các chất hữu cơ, lượng thức ăn dư thừa trong ao hiệu quả bằng các loại men vi sinh thủy sản 

Cải thiện hệ tiêu hóa, tăng mật độ vi sinh có lợi giúp tôm có một đường ruột khỏe mạnh bằng cách bổ sung men vi sinh đường ruột. 

Một số điều cần lưu ý khi xổ ký sinh trùng trên tôm 

Liều lượng và cách xổ ký sinh trùng trên tôm để đạt hiệu quả triệt để sẽ tùy thuộc vào mật độ ký sinh trùng và tình trạng tôm. 

Chỉ xổ ký sinh trùng trên tôm sau 30 ngày tuổi, tránh xổ sớm. 

Xổ ký sinh trùng trên tôm trong điều kiện thời tiết đẹp. 

Chú ý thể trạng tôm trước khi xổ, nếu tôm yếu có thể cho ăn thuốc để dưỡng một thời gian trước khi xổ. 

Tóm lại, xổ ký sinh trùng là một kỹ thuật khá phức tạp. Đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc xổ ký sinh trùng, bà con chỉ nên lựa chọn các loại được phép sử dụng. Nếu sử dụng phải các chất cấm có thể ảnh hưởng rất nhiều đến ảnh hưởng của tôm sinh trưởng. 

Thuần Phạm