TIN THỦY SẢN

Thụt cá bống sao

Cá bống sao. Ảnh: THANH DŨNG Lê Văn Trường

Trong mỗi người chúng ta ai cũng có một thời tuổi thơ hồn nhiên với rất nhiều kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ. Ðể khi xa rồi thì vẫn mãi luyến lưu hoài niệm bên lòng.

Ngăn tủ của ký ức vẫn luôn còn mãi lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma…”. Dù ở đó chỉ là khoảng trời của những ngày thả diều, trèo cây, tắm sông, bắt cá…

Ðám con nít ở thôn quê tuy không khôn lanh như trẻ ở thành thị, nhưng bù lại rất rắn rỏi, chắc da chắc thịt nhờ đủ đầy sương nắng. Mỗi khi đi học về là lại tụ năm tụ bảy rủ nhau bày đủ thứ trò chơi của tuổi mới lớn. Nếu không thì rủ nhau đi tắm sông. Nhớ những hôm nước ròng bỏ bãi, những chú cá bống sao cứ giương mắt trườn dài trên bãi bùn. Khi thấy chúng tôi lội tới thì chúng liền bò vô hang. Vậy là chúng tôi mỗi đứa liền đi kiếm cho mình một cọng lá dừa, tướt bỏ hết lá, cọng dừa đầu trên vuốt nhọn, phần đuôi khoanh chặt như hình tròn. Vậy là đã có đồ nghề để thi thố tài năng.

Dưới bãi sông, những con cá bống sao nhỏ thường hay làm hang ngoài bãi trống. Còn những con cá lớn hơn thì chúng hay làm hang theo mấy gốc cây bần và hang thường rất sâu. Ham thụt được cá lớn nên đứa nào cũng đi theo gốc cây bần để thụt. Hang cá sâu, thụt hết cánh tay mà vẫn chưa tới, vậy là phải móc lỗ đất nới hang cá rộng ra để trui vào mà bắt cho bằng được.

Vì mải mê bắt cá nên đứa nào đứa nấy đầu cổ tay chân đều dính đầy bùn đất. Lội bãi, mà một tay xách xâu cá còn một tay phải nắm cái quần đùi lại cho thật chặt, nếu không thì kể như nó tuột xuống luôn. Ðến khi thấy mệt mỏi thì mới chịu xuống nước tắm cho sạch sình bùn rồi về.

Mỗi lần đi thụt cá, đứa nào nhiều thì được hơn một ký. Còn đứa nào dở thì cũng đủ cho nồi canh chua. Thụt được cá, chúng tôi lượm thêm vài trái bần chín rụng ngoài bãi đem về cho mẹ nấu canh chua. Món ăn dân dã ấy đã trở thành đặc trưng của xứ sở cù lao quê tôi. Chắc có lẽ tại con cá bống sao thích chọn nơi bãi bần để sinh sống nên nó làm nồi canh chua bần mà mỗi bữa cơm dọn ra mới ngửi mùi vị thôi là đã thấy đói bụng rồi.

Cứ mỗi lần ra bãi sông thấy đàn cá bống sao tung tăng chạy ngược chạy xuôi là tôi lại thấy ngứa nghề. Ði thụt cá riết rồi cũng thành một thói đam mê. Nếu tôi không rủ mấy đứa bạn thì tụi bạn cũng rủ ngược lại tôi.

Bãi sông là đất phù sa nên bùn rất lầy. Ði hoài cũng biết ngán, nhưng có lẽ tại bầy cá bống sao luôn luôn quá đông và chúng hay giương đôi mắt nhìn chúng tôi như cố tình thách thức. Ðến khi bị rượt thì mới chịu chui vào hang để trốn. Ði thụt cá không chỉ giúp được ba má ở nhà đỡ tốn tiền mua đồ ăn, mà với chúng tôi đó còn là những trận đánh trò dưới bãi sông khi bọn cá bống sao lấy số đông thách thức. Ðó cũng là một niềm vui mà không phải trẻ thơ ở đâu cũng có được.

Ngày tháng ấy giờ đã trôi xa. Ðám bạn chung xóm ngày xưa nay mỗi đứa đã một phương trời vì tương lai sự nghiệp. Cái thời đi thụt cá của tôi cũng trôi vào miền ký ức. Cuộc sống là những bộn bề vất vả lo toan vì chén cơm manh áo, mà đôi khi phải vắt kiệt mồ hôi.

Những phút giây nhàn nhã, một mình ra đứng phía bãi sông, thấy bầy cá bống sao đang nhảy múa tung tăng bên tán những cây bần nghiêng nghiêng rợp bóng mà chạnh lòng nhớ quá những ngày tháng tuổi thơ. Nhưng thời gian có trôi ngược bao giờ. Nhớ lắm tuổi thơ mình nơi miền quê còn cất giữ bao yêu thương./.

Lê Văn Trường Báo Cà Mau, 06/08/2016