TIN THỦY SẢN

Thủy sản: “Ủ bệnh” từ ngày hôm qua

Cảnh thu hoạch và chế biến cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: L.N.G

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành thủy sản khó khăn về nguyên liệu, vốn, thị trường... và nguy cơ đóng cửa đang ám ảnh khoảng 20% số DN. Đó là thông tin chính thức được lãnh đạo Vasep (Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN) công bố.

Những mầm mống bất ổn trong ngành thủy sản đã có từ lâu, đến khi những khó khăn trong nước và thị trường thế giới cùng lúc gay gắt, “bệnh” mới thực sự bùng phát!

Tại hội nghị toàn thể hội viên Vasep vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Vasep – ông Trần Thiện Hải – đã nêu vấn đề: Doanh số 6,5 tỉ USD hay sự phát triển bền vững quan trọng hơn? Nếu chỉ nhìn sự tăng trưởng kim ngạch XK, rõ ràng ngành thủy sản trong vài chục năm qua luôn “chạy” với tốc độ cao, tăng trưởng trên dưới 20%/năm, từ con số “triệu USD” trong thập niên 1980, đã lên “tỉ USD” trong thập niên 1990 và kế hoạch năm nay là 6,5 tỉ USD. Công bằng mà nói, ngành thủy sản đã làm nên kỳ tích khi đưa con tôm và con cá tra “hương đồng gió nội” của VN đi khắp thế giới, vào các bàn ăn sang trọng ở Nhật, Mỹ, Châu Âu...

Thế nhưng, có một nghịch lý không dễ lý giải, đó là trong khi xây dựng nên cả một ngành công nghiệp với năm bảy trăm DN chế biến – XK, trong đó có nhiều nhà máy rất hiện đại, thì ngành thủy sản lại không giải quyết nổi những chuyện “nhỏ như móng tay” như: Nạn bơm tạp chất vào nguyên liệu; nạn chào bán phá giá (cá tra); tình trạng nguyên liệu bị nhiễm các chất kháng sinh... Cho đến những chuyện lớn hơn cũng tồn tại kéo dài như: Đua nhau xây dựng nhà máy, làm cho công suất chế biến luôn cao hơn nhiều so với khả năng nguồn nguyên liệu; thức ăn nuôi thủy sản lệ thuộc quá nhiều nước ngoài; người nuôi luôn chịu nhiều rủi ro khi giá nguyên liệu biến động thất thường... Tất cả những yếu kém tiềm ẩn ấy suốt thời gian dài không bộc lộ ra hoặc bị làm lu mờ bởi sự tăng trưởng “như mơ” của toàn ngành.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo – Tổng GĐ Cty CP thủy sản Gò Đàng (chuyên chế biến – XK cá tra, KCN Mỹ Tho, Tiền Giang), các DN thủy sản VN trong hơn 1 năm qua chịu cùng lúc 2 quả đấm rất mạnh: Sự siết chặt tín dụng trong nước và khó khăn thị trường nước ngoài do suy thoái kinh tế. Đối với những DN đã có tích lũy, làm ăn “đàng hoàng” thì hoàn toàn có thể vượt qua, còn những DN đầu tư không đúng hướng, yếu kém về quản trị, nguy cơ phá sản là rất lớn. Đầu tư không đúng hướng thường là: Dùng vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn, đầu tư ra ngoài ngành (địa ốc, tài chính...), đầu tư quá đà (vào trang thiết bị...) làm cho áp lực tài chính lúc khó khăn càng đổ dồn lên, nên khi nguồn vốn bị siết chặt thì hụt hẫng, đổ vỡ.

Còn ông Dương Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Vasep, Chủ tịch Uỷ ban Cá nước ngọt Vasep – thì cho rằng, cá tra VN đang “chết” trên sân nhà và “chết” do chính sách. Do thắt chặt tín dụng, các DN bán tháo hàng để trả nợ đáo hạn, người nông dân cũng bán nhanh cá để trả nợ. Hệ quả là giá cá tra hạ thấp, cả người nuôi và DN đều lỗ.

Ông Dương Ngọc Minh cho rằng, hiện chỉ có khoảng 20% số DN trong ngành cá tra là “mạnh giỏi”, 80% còn lại có khó khăn, trong đó có 30% trong tình trạng hấp hối. Những DN đang khó khăn và suy yếu phần lớn đầu tư sai mục đích (như dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn). Ông Minh cho rằng, từ 250 DN chế biến – XK cá tra hiện nay, chỉ nên còn lại khoảng 50 DN thật sự “khỏe mạnh”. Việc “bơm” vốn ngân hàng vào cứu DN là cần thiết nhưng cần có sự chọn lựa, những DN quá yếu cứ để cho phá sản! Qua giai đoạn khó khăn này sẽ diễn ra sự đào thải, những DN thật sự khỏe mạnh sẽ tồn tại, còn những DN “bệnh nặng hết thuốc chữa” thì phải chịu “chết”!

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Vasep – cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành thủy sản để phát triển ngày càng thể hiện rõ, thể hiện qua: DN cá tra tự tổ chức vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu ngày càng tăng lên; DN tự đầu tư đội tàu đánh bắt ngày càng nhiều; nhiều DN đầu tư từ con giống, thức ăn, chế biến, sản xuất hàng giá trị gia tăng, tổ chức thị trường... Đó là xu thế tất yếu cho sự phát triển bền vững. Thực tế hầu hết các DN sớm “tái cấu trúc” đều ổn định trong giai đoạn khó khăn này. Cty CP thủy sản Gò Đàng (KCN Mỹ Tho, Tiền Giang) là 1 trong những DN sớm tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu cá tra từ cách đây 3 – 4 năm. Cùng với các biện pháp phát triển bền vững, Cty Gò Đàng vẫn ổn định, duy trì sự tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cao cho NLĐ.

Báo Lao Động