TIN THỦY SẢN

Thủy sản Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu

Thủy sản Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu Thảo Nguyên

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ước tính đã làm thiệt hại 5% GDP của Việt Nam, tương đương với 15 tỉ USD mỗi năm. Trong đó, ngành thủy sản Việt Nam có tổng thiệt hại do biến đổi khí hậu lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Đó là thông tin do đại diện DARA International, một thành viên của Nhóm làm việc về Biến đổi khí hậu (CCWG), đã báo cáo kết quả Nghiên cứu giám sát tính dễ bị tổn thương do Biến đổi khí hậu năm 2012 (trường hợp của Việt Nam) chiều qua 10/1.

Theo nghiên cứu này, Việt Nam hiện đứng đầu trong danh sách các nước có mức thiệt hại ngành thủy sản do BĐKH ở mức nguy cấp, tức là mức báo động đỏ, khoảng 1,5 tỷ USD năm 2010 và mức thiệt hại này sẽ tăng tới 25 tỷ USD vào năm 2030.

“Nếu không có những biện pháp giải quyết hiệu quả thì những tác động của BĐKH sẽ khiến Việt Nam tổn thất nhiều hơn, 11% GDP vào năm 2030”, ông Nguyễn Quang Thành, đại diện của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) nhận định.

Tiếp đó là Trung Quốc với mức thiệt hại là 1,5 tỷ USD năm 2010 và 15 tỷ USD vào năm 2030. Đứng thứ 3 là Peru với mức thiệt hại lần lượt là 1,25 tỷ USD năm 2010 và 15 tỷ USD năm 2030. Tiếp theo là Thái Lan với thiệt hại 700 triệu USD năm 2010 và 8,5 tỷ USD năm 2030; Indonesia với 650 triệu USD năm 2010 và 7,75 tỷ USD năm 2030.

Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô tuyệt đối của ngành thủy sản, tính dễ bị tổn thương của các vùng biển nhiệt đới và quản lí trữ lượng cá không bền vững. Vì vậy, cần xây dựng khả năng phục hồi hoặc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành thủy sản thông qua cải thiện quản lý thủy sản sẽ giúp củng cố bất kỳ chính sách về biến đổi khí hậu nào trong tương lai.

Theo nghiên cứu thực địa tại tỉnh Bến Tre, thủy sản là một ngành công nghiệp chủ đạo và là sinh kế chủ lực của người dân ở Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung. Ngành công nghiệp này đòi hỏi vốn khá cao nhưng lại có rủi ro lớn do chịu ảnh hưởng lớn từ BĐKH.

Hiện nay còn thiếu những quỹ định nhằm hạn chế đánh bắt và bảo vệ nguồn cá. Ngành này cũng ít có hỗ trợ và bảo hiểm của chính phủ khi có rủi ro xảy ra.

Hơn nữa, các chuyên gia khẳng định rằng nhiệt độ nước và độ chua (pH) là điều kiện cơ bản đối với ao cá hoặc ngao sò nuôi và liên quan trực tiếp đến dịch bệnh. Can thiệp của chính phủ dường như còn hạn chế trong việc đưa ra các hướng dẫn trong suốt thời gian nắng nóng cực đoan nhằm cố gắng hạn chế thiệt hại về thủy sản của các trang trại.

Một đặc điểm dễ bị tổn thương có tính hệ thống được xác định đối với các ngành nuôi trồng thủy sản nhất là ngành nuôi tôm là chất lượng của giống. Cải thiện nguồn cung cấp giống tôm là một biện pháp quan trọng đối với vấn đề này. Việc đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát chất lượng cao nhất đối với tất cả các trại sản xuất giống có thể đảm bảo tất cả nông dân bắt đầu bằng việc sử dụng giống kháng bệnh, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại.

Thảo Nguyên Dân Trí