TIN THỦY SẢN

Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản tại Bình Định

Lồng nuôi cá ở Bình Định. Ảnh: vietlinh.vn NT

Bình Định có khoảng 4.544 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, là tỉnh có tiềm năng về phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá lồng trên hồ chứa thủy lợi và nuôi biển ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 13.406 tấn.  

Về nuôi tôm nước lợ, với tổng diện tích khoảng 2.042 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh là 575 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 1.467 ha. Ngoài ra, Bình Định đang từng bước phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) với 02 doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm UDCNC tại vùng nuôi tôm UDCNC xã Cát Thành, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) và Khu nông nghiệp UDCNC phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), với tổng diện tích 164,34 ha, năng suất đạt từ 30-40 tấn/ha/vụ.  

Hiện nay, tại Khu nông nghiệp UDCNC phát triển tôm xã Mỹ Thành có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực kinh nghiệm tham gia đăng ký thực hiện dự án với tổng diện tích là 218,96 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thương phẩm là 160,51 ha, sản lượng dự kiến 7.000 tấn/năm. 

Về nuôi cá nước ngọt trên hồ chứa, toàn tỉnh hiện có 164 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, tổng dung tích thiết kế 682 triệu m3, trong đó có 63 hồ chứa lớn với tổng dung tích thiết kế 640 triệu m3 do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, còn lại 101 hồ chứa vừa và nhỏ chủ yếu do địa phương quản lý. Trong đó, có khoảng 37 hồ chứa có khả năng nuôi cá lồng hồ chứa. 

Về nuôi biển, với chiều dài bờ biển trên 134 km và có nhiều đầm phá, hệ thống vịnh, cảng, vùng biển với hơn 1.440 km2 diện tích vùng nội thủy, 40.000 km2 diện tích lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển, đặc biệt là ngành công nghiệp nuôi biển hở ứng dụng công nghệ cao.  

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định, có khu bảo vệ biển Vịnh Quy Nhơn do địa phương quản lý (LMMA Quy Nhơn): bao gồm 04 xã phường ven biển của thành phố Quy Nhơn: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng, tiếp giáp với nhau. Tổng diện tích khu vực LMMA Quy Nhơn khoảng 36.357 ha, trong đó 04 vùng lõi được xác định là 10.007 ha và các vùng đệm khoảng 26.350 ha. Có 04 tổ chức cộng đồng đã được UBND thành phố Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển có diện tích xác định theo Luật Thủy sản 2017 với tổng diện tích giao quyền quản lý là 46,134 ha và có 220 thành viên tham gia tổ chức cộng đồng. Khu vực này thuận lợi cho phát triển mô hình trồng rong kết hợp nuôi nhuyễn thể (hàu, bào ngư…), nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển tái tạo nguồn lợi, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho các thành viên tham gia tổ cộng đồng. 

Có khoảng 37 hồ chứa có khả năng nuôi cá lồng hồ chứa

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản của Bình Định chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế như: NTTS ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển, nuôi biển quy mô nhỏ nên chưa khai thác hết tiềm năng khu vực biển; chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Do đó, để phát triển NTTS đáp ứng yêu cầu hiện nay, trong thời gian đến, ngành thủy sản cần kêu gọi đầu tư một số lĩnh vực như sau: 

- Về nuôi tôm nước lợ: Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm UDCNC tại các diện tích nuôi tôm ven biển và vùng đầm theo quy hoạch. 

- Về nuôi biển: Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực và công nghệ hiện đại đầu tư phát triển nuôi biển hở ứng dụng công nghệ cao tại  Bình Định. 

- Về nuôi hồ chứa: Kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi cá theo hình thức nuôi lồng, tập trung tại các hồ chứa thủy lợi, sử dụng công nghệ mới áp dụng vào sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm quy mô hàng hóa. 

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực thủy sản tham gia cụm liên kết ngành. Xây dựng chính sách hỗ trợ khuyến khích các hộ NTTS tham gia thành lập các hợp tác xã, hình thành các mô hình sản xuất NTTS theo chuỗi giá trị trong ngành hàng theo hướng liên kết, giá trị gia tăng, sinh thái, đặc hữu; thích ứng với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu.

NT