TIN THỦY SẢN

Tiến bộ khoa học đột phá trong nuôi tôm: Quản lý tự động môi trường 3 giai đoạn

Tôm thẻ chân trắng ngày nay được áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: Tép Bạc Hòa Thy

Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn" đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An thực hiện thành công từ tháng 4/2023 đến tháng 7/2024. Dự án này đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người nuôi tôm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Tổng quan về dự án  

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng, đang trở thành một xu thế tất yếu. Nhiều địa phương, bao gồm cả tỉnh Nghệ An, đang triển khai chính sách hỗ trợ và phát triển các hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Những mô hình này tạo ra vòng nuôi tuần hoàn khép kín, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, đồng thời cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng với khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng. 

Một trong những hướng đi quan trọng là việc phát triển công nghệ giám sát và quản lý môi trường nuôi tự động, bao gồm: 

- Hệ thống giám sát tự động 

- Hệ thống quản lý thông minh 

- Vòng nuôi tuần hoàn khép kín 

- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm 

Chi tiết dự án ứng dụng tiến bộ khoa học trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn 

Dự án đã mang lại hiệu quả bước đầu trong việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở địa phương. Áp dụng hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động IoT (Internet of Things) của Công ty Cổ Phần Tép Bạc. Bộ điều khiển trung tâm (E-Sensor Master Aqua), sử dụng sóng không dây RF 433Mhz, kết nối Wifi, kết nối GSM, cảnh báo qua tin nhắn SMS. Các cảm biến đo độ pH, nhiệt độ, oxy hòa tan, ORP, độ mặn. Các sản phẩm đều được kết nối pin năng lượng mặt trời và phần mềm theo dõi điều khiển trên điện thoại thông minh và máy tính. 

Mô hình đã được ông Nguyễn Viết Thắng - Nghệ An thử nghiệm. Ảnh: ngheandost.gov.vn

Mô hình này đã được ông Nguyễn Viết Thắng, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, thử nghiệm trên diện tích vùng nuôi 01ha (10.000 m²), gồm bể nuôi và các ao phụ trợ. Hệ thống bao gồm bể nuôi giai đoạn 1 (500m²), giai đoạn 2 (700m²), giai đoạn 3 (1.500m²). 

Kết quả cụ thể của các vụ nuôi. Kết quả cho ra được cụ thể theo từng vụ như sau: 

- Vụ nuôi thứ nhất (tháng 8/2023): 

Thả giống 500.000 con/bể 500m² cỡ giống thả PL12. 

Giai đoạn 1: Mật độ thả 1.000 - 1.500 con/m², sau 25 ngày đạt tỷ lệ sống 96%. 

Giai đoạn 2: Mật độ thả 450 – 500 con/m², sau 22 ngày đạt tỷ lệ sống 90%. 

Giai đoạn 3: Sau 35 ngày đạt tỷ lệ sống 88%. 

Tổng tỷ lệ sống chung 76%, sản lượng 10,5 tấn, FCR 1.17, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. 

- Vụ nuôi thứ hai (tháng 11/2023): 

Thả giống 500.000 con/bể 500m² cỡ giống thả PL12. 

Giai đoạn 1: Sau 30 ngày đạt tỷ lệ sống 94%. 

Giai đoạn 2: Sau 35 ngày đạt tỷ lệ sống 92%. 

Giai đoạn 3: Sau 75 ngày đạt tỷ lệ sống 87%. 

Tổng tỷ lệ sống chung 75%, sản lượng 8.5 tấn, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. 

- Vụ nuôi thứ ba: 

Giai đoạn 1: Sau 25 ngày đạt tỷ lệ sống 95%. 

Giai đoạn 2: Sau 38 ngày đạt tỷ lệ sống 92%. 

Giai đoạn 3: Sau 42 ngày đạt tỷ lệ sống 88%. 

Tổng tỷ lệ sống chung 77%, sản lượng 10.1 tấn. 

Các thiết bị công nghệ sẽ hỗ trợ người nuôi dễ dàng hơn trong việc quản lý ao nuôi. Ảnh: Tép Bạc

Ý nghĩa và triển vọng của tiến bộ khoa học trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn 

Dự án này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tôm thẻ chân trắng mà còn là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ cao vào ngành nuôi trồng thủy sản, mở ra nhiều triển vọng phát triển cho các mô hình nuôi trồng thủy sản khác trong tương lai. 

Theo Thạc Sỹ Trần Nhật Phong (Trung tâm Khuyến nông Nghệ An), việc ứng dụng hệ thống tự động quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi giúp dễ quản lý, giảm chi phí, giảm công lao động, hạn chế rủi ro. 

Kỹ sư Vũ Thị Vinh cho biết, việc ứng dụng công nghệ mới giúp giám sát liên tục, xử lý kịp thời sự biến động của các thông số, đảm bảo môi trường tốt nhất cho tôm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến sự ổn định bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. 

Ông Tạ Quang Sáng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết, dự án giúp người nuôi tôm có cơ hội sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất, góp phần tăng sản lượng tôm nuôi của tỉnh. Trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân. 

Với những kết quả tích cực đạt được, dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn" đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm thẻ chân trắng ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. 

Hòa Thy