TIN THỦY SẢN

Tiền Giang: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá tra công nghiệp

Ảnh minh họa. Nguồn: tepbac.com Thanh Tâm

Hiện nay, mô hình nuôi cá tra công nghiệp ở huyện Cai Lậy phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có ông Nguyễn Văn Đời (sinh năm 1954), cư ngụ tại ấp Tân An, xã Tân Phong.

Gia đình ông Đời có 8 nhân khẩu đều là lao động chính, năm 2013, ông bắt đầu nuôi cá tra đăng quầng trên diện tích 5.000m2, sau nhiều năm nuôi cá thăng trầm, do chưa nắm bắt về kỹ thuật, thiếu vốn, giá biến động theo chiều hướng tăng giảm thất thường, nhưng sau khi được học tập kinh nghiệm, tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật do các ngành chức năng tỉnh, huyện tập huấn, mô hình nuôi cá tra công nghiệp của ông đạt được hiệu quả khá cao.

Năm 2014, ông đã áp dụng mô hình này với diện tích 10 ha, trong đó diện tích nuôi chính 9 ha, được chia làm 11 ao. Do có nhiều ao nuôi quanh năm và giá biến động từ 20.000 - 24.500 đồng/kg, trong 9 ao nuôi của ông có ao lời hoặc lỗ một ít, nhưng tính chung ông vẫn lãi từ mô hình nuôi hình này gần 1,4 tỷ đồng/năm.

Qua quá trình nuôi cá tra theo mô hình công nghiệp, được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước, ông nhận thấy khâu phòng bệnh cho cá là rất quan trọng, người nuôi nên định kỳ bổ sung Vitamin C, Premix, vì cho cá ăn chỉ đáp ứng khoảng 80 -90% theo nhu cầu của cá, nên mua giống cá cỡ nhỏ rồi chăm sóc, dưỡng nuôi, để giảm chi phí về con giống. Đối với việc xử lý nước, chỉ dùng BKC, vôi, muối hột,... tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cần thực hiện đúng theo các quy trình hướng dẫn, để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như thịt cá trắng, không nhiễm bệnh, hóa chất, các loại thuốc kháng sinh cấm sử dụng. Thường xuyên hút bùn, nạo vét đáy ao theo định kỳ 3 - 4 tháng/lần,  để lấy hết chất cặn của đáy ao, hạn chế các loại dịch bệnh phát sinh cho cá như bệnh xuất huyết, gan, thận mủ, kiểm tra phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.

Liên kết với công ty chế biến thủy hải sản để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Khi nuôi cá phải rải đều các ao nuôi, tránh thu hoạch vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7, vì lúc này giá cá thấp. Thời gian nuôi kéo dài khoảng 10 tháng, để tránh rủi ro về giá, thức ăn, chi phí đầu tư.

Ngoài ra, hàng năm ông Đời còn thu nhập từ vườn cây ăn trái khoảng 150 triệu đồng. Như vậy, năm qua, với diện tích 10 ha đất ao, vườn, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi được 1,550 tỷ đồng. Hiện nay, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, thủy sản của tỉnh, huyện, ông đang làm các thủ tục để thực hiện mô hình nuôi cá tra công nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến cuối năm 2015 sẽ được cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, ông Đời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở khu dân cư, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cho bà con, hỗ trợ con giống cho các hộ,... tạo điều kiện giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Thanh Tâm Tiền Giang, 07/07/2015