Tiền Giang: Về cù lao Tân Phong - Nghe dư âm ốc gạo một thời
Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy), một cù lao nằm về phía hữu ngạn của chợ nổi Cái Bè, được bao quanh bốn bề là sông nước. Không ai biết rõ cù lao này hình thành từ bao giờ, nhưng đây lại là một vùng đất từng một thời “nức tiếng” về đặc sản ốc gạo và được mệnh danh là vùng “đất vàng” của cây ăn trái.
Tiếc nuối một thời... ốc gạo!
Hiện có đến 4 bến phà để đến Tân Phong và tôi đã chọn phà Hiệp Đức - Tân Phong để đi đến cù lao này. Trong cái nắng dìu dịu của một sớm tháng 5, cù lao Tân Phong hiện ra đầy ấn tượng với màu xanh bạt ngàn.
Thể theo yêu cầu, chị Nguyễn Thị Bông, cán bộ Đài Truyền thanh xã Tân Phong, một “thổ địa” của cù lao này, đã không ngần ngại đưa tôi đi tham quan một vòng cù lao bằng xe gắn máy, chứ không phải bằng ghe, xuồng như những năm trước đây. Bởi các tuyến giao thông đường bộ trên cù lao Tân Phong đã khá tốt từ nhiều năm nay. Và đâu đâu trên đất cù lao này cũng là một màu xanh mát mắt của những vườn chôm chôm, nhãn, sầu riêng... ngút ngàn trái chín trĩu cành mang lại cho bà con một nguồn thu nhập lớn. Xen lẫn trong tán cây xanh là những ngôi nhà mới với kiến trúc đẹp không khác chốn thị thành...
Trong kho tàng địa danh của tỉnh Tiền Giang, cù lao Tân Phong là một vùng đất mà không ai biết rõ hình thành từ bao giờ, nhưng khi tổ tiên người Việt vào khai phá, đặt nền hành chính cai trị thì cù lao này có tên là Tân cù Bình An thôn, tức cồn mới bình an, thuộc tổng Bình Dương, châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Vào thời này, cù lao Tân Phong còn có tên gọi khác là Cồn Cù.
Đến năm 1808, đời Vua Gia Long, cù lao Tân Phong thuộc tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh và đến đời Vua Minh Mạng, năm 1836, cái tên Tân Phong mới có, với ý nghĩa là đất mới giàu có ra đời, thuộc tổng Bình Hưng, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long.
Khi người Pháp vào đô hộ, nền hành chính có một số thay đổi, đầu năm 1900, làng Tân Phong lại thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Theo một số người nghiên cứu lịch sử, khoảng năm 1923, làng Tân Phong còn bị Pháp đổi tên là Tân Đông. Sau năm 1945, tổng Bình Hưng, trong đó có làng Tân Phong chuyển sang quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1967, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn đặt xã Tân Phong thuộc quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long cho đến năm 1975. Tại thời điểm này, chính quyền kháng chiến lại thấy rằng, do qua lại sông Tiền khó khăn, đất Tân Phong lại gần hơn với Cai Lậy, Cái Bè nên quyết định cắt chuyển sang huyện Cai Lậy để dễ dàng xây dựng phong trào cách mạng, rồi giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày thống nhất đất nước và đến ngày nay.
Tân Phong có 7 ấp, với địa hình sông rạch chằng chịt, bị chia cắt bởi nhiều cồn bãi. Không biết bắt nguồn từ đâu mà các cồn bãi ở cù lao này có những tên gọi khác nhau như: Cồn Trích, cồn Đại Diện, cồn Ngậm, cồn Tre, cồn Bầu, cồn Cá Ngát. Ngày xưa, chuyện đi lại của người dân giữa các cồn này gặp rất nhiều khó khăn, phải đi bằng xuồng ba lá, đò chèo hay những chiếc phà thô sơ... Nhưng ngày nay, việc đi lại đã thuận lợi hơn nhiều, bởi đã có những chiếc cầu được xây dựng, nối liền đôi bờ giữa các cồn.
Cũng nhờ vị trí địa lý mà cù lao Tân Phong được thiên nhiên ban tặng cho những thứ không phải nơi đâu cũng có được, đó chính là phù sa bồi đắp hàng năm và cả ốc gạo - một đặc sản nổi tiếng của xứ cù lao này một thời gieo bao nỗi vui buồn vào ký ức người dân.
Theo lời kể của những người sống lâu năm ở cù lao Tân Phong, khoảng 40 năm trước, ốc gạo vùng Tân Phong có dày đặc như lúa mới sạ trên ruộng. Người dân chỉ cần lặn xuống sông dùng tay đùa gom ốc lại rồi hốt đem lên. Thời điểm này, ở Tân Phong khai thác ốc gạo thông qua đấu giá với những người nhà giàu mua từng khoảng để khai thác và được gọi là chủ rọ. Cứ vào dịp trước và sau mùng 5 tháng 5 (âm lịch) trở đi, chủ rọ bắt đầu mướn dân khai thác ốc gạo để bán.
Đến khoảng tháng 7, tháng 8 (âm lịch), khi ốc gạo chui sâu xuống đất chuẩn bị sinh sản, thì người dân lại dùng cào răng sâu hơn để bươi lên bắt cho bằng được nên dần dà ít đi và biến mất. Mặc dù ốc gạo Tân Phong cũng có mấy lần hồi sinh nhưng rồi lại “chết non”, vì bị khai thác theo kiểu tận diệt và sự xuất hiện ngày càng nhiều của nạn khai thác cát xung quanh cù lao Tân Phong. Chính vì vậy 10 năm nay, ốc gạo không còn xuất hiện ở Tân Phong nữa...
Miền đất “quả vàng” trên sông Tiền
Không giữ được đặc sản ốc gạo nhưng bù lại Tân Phong có đặc điểm đất phù sa bồi màu mỡ, phì nhiêu, thích hợp để trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng đất đai, lao động miền sông nước xây dựng quê hương giàu đẹp, chính quyền xã Tân Phong khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp để trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: Chôm chôm, nhãn, sầu riêng, cây có múi...
Điển hình là việc khôi phục và phát triển thương hiệu “chôm chôm Tân Phong”, một trong những thương hiệu trái cây được ưa chuộng của miệt cù lao sông nước này trên 40 năm nay, bởi hương vị thơm ngon rất đặc trưng, còn chất lượng thì hơn hẳn chôm chôm trồng ở các nơi khác. Ngoài giống chôm chôm Java được trồng phổ biến lâu nay, Tân Phong còn du nhập thêm nhiều giống chôm chôm mới đang được thị trường ưa chuộng nhờ các ưu điểm vượt trội như: Chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái...
Gần đây, trồng chôm chôm theo tiêu chí VietGAP - một bước đi khoa học tất yếu, đang được khuyến khích phát triển ở cù lao Tân Phong. Xã Tân Phong cũng đã thành lập Tổ hợp tác Chôm chôm Tân Phong và vinh dự được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí “chôm chôm VietGAP”.
Đối với nhãn, thay vì trồng nhãn tiêu Huế, có giá bán thường chỉ ở mức từ 9.000 - 10.000 đồng/kg và đang bị dịch bệnh “chổi rồng” gây hại, nông dân Tân Phong mạnh dạn du nhập và trồng giống nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Ido chất lượng cao, hiệu quả kinh tế lớn, với giá bán từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, tùy theo thời điểm.
Sầu riêng cũng thế. Toàn bộ diện tích sầu riêng Tân Phong đều trồng các giống: Ri6, Mongthong chất lượng cao. Thời điểm thu hoạch vụ nghịch có thể bán với giá trên 40.000 đồng/kg và nông dân đều có lãi khá cao.
Thực tiễn cho thấy, định hướng đúng và giải pháp hay đã giúp thay đổi nhanh chóng diện mạo kinh tế - xã hội ở Tân Phong hôm nay. Theo ông Võ Minh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, 100% diện tích vườn tại Tân Phong đã chuyển từ cây tạp sang chuyên canh cây ăn trái đặc sản. Trong đó, chôm chôm 550 ha, sầu riêng 284 ha, nhãn 273 ha và 245 ha cây trồng khác. Hàng năm cho sản lượng thu hoạch trên 20.000 tấn trái cây tham gia thị trường và đều cho thu nhập cao, từ 100 triệu đồng/ha trở lên. Chính vì vậy mà cù lao Tân Phong đã từng được mệnh danh là miền đất “quả vàng” trên sông Tiền.
Từ năm 2011 đến nay, một số nhà vườn ở Tân Phong đã mạnh dạn đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển diện tích trồng cây ăn trái thành các điểm du lịch để thu hút khách. Đến nay, Tân Phong có 4 điểm kinh doanh du lịch hoạt động khá nhộn nhịp theo kiểu “liên kết vườn” với những vườn trái cây liền kề, mùa nào thức nấy phục vụ khách tham quan.
Ngoài ra, có một điểm kinh doanh theo hình thức Homestay tại ấp Tân Luông A, với nhà nghỉ thoáng mát, dân dã. Theo định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới thì Tân Phong sẽ có 20 ha đất trồng cây ăn trái phục vụ du lịch.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, diện mạo kinh tế - nông nghiệp - nông thôn - nông dân trên địa bàn cù lao Tân Phong đã có nhiều thay đổi. Nhưng với thế và lực sẵn có, cù lao Tân Phong đã không dừng lại với những gì đã đạt được mà vẫn tiếp tục vươn mình phát triển, với nhiều tiềm năng du lịch đang mở ra và thực hiện tiến trình xây dựng nông thôn mới.