TIN THỦY SẢN

Tiền nhiều như... hấp cá

Ở vùng biển Cửa Việt, cá vừa hấp phơi khô, ô tô đã đến đợi thu mua LÂM QUANG HUY

Chưa bao giờ vùng ven biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) sôi động như hiện nay khi mỗi ngày một gia đình ngư dân có lò hấp kiếm được vài triệu đồng từ công việc đơn giản là hấp cá phơi khô xuất khẩu. Ngư dân ở đây có câu cửa miệng “nhiều tiền như các lò hấp cá".

Chất riêng

Ngư dân Hồ Văn Cần ở thị trấn Cửa Việt bưng đĩa cá cơm vừa hấp chín phơi khô trộn ít nước mắm nguyên chất và ít gia vị như tỏi, hạt tiêu làm mồi mời khách uống rượu. Mùi vị ngọt thanh của cá tươi khi được hấp khô thật hấp dẫn. Nâng chén rượu mời khách, ông Cần nhớ lại cách đây bốn đến năm năm, bỗng nhiên có nhiều thương lái xuất hiện ở thị trấn cửa biển Cửa Việt thu mua cá, mực, nhất là cá cơm và cá nục hấp phơi khô với số lượng lớn, giá rất cao.

Tò mò, ông Cần hỏi tại sao không mua cá của các địa phương khác mà đến mua ở Cửa Việt. Một thương gia người Trung Quốc không ngần ngại nói rằng đã tìm hiểu rất kĩ, rất lâu rồi. Ở vùng này gió Tây Nam thổi đúng vào mùa đi biển của bà con nên những con cá, con mực săn chắc và chất bổ cũng nhiều hơn nên sản phẩm cá hấp phơi khô được thu mua giá cao hơn các nơi khác từ 20 đến 30%. Từ đó cứ vài ngày lại có thêm một lò hấp cá của ngư dân ra đời. Chuyện kiếm được nhiều tiền từ các lò hấp cá xuất khẩu nóng lên từng ngày.

Dọc đường về Cửa Việt những ngày thời tiết giữa thu này cá khô giăng đầy, sặc lên mùi đặc trưng của biển. Chúng tôi chậm chậm bước đi trong hơi biển tanh nồng và mặn mòi. Mùi tanh nồng của cá tươi đang được ngư dân hấp phơi khô.

Lão ngư Trần Lưu (86 tuổi) đã bỏ nghề đi biển ở nhà vừa hấp cá khô vừa thủng thẳng kể rằng nhiều người khi ngang qua đây cứ băn khoăn sao mùa hè nắng lớn mà không phơi cá nhiều bằng mùa thu. Là vì cá phơi giữa tiết mùa thu chủ yếu nhờ gió nên cá khô ráo đến trong từng thớ thịt mà vẫn kịp ủ mùi thơm tinh khiết của biển, thịt cá khô dẻo nhưng vẫn tươi chứ không phải khô cứng như khi phơi giữa nắng cháy mùa hè. Các loại máy sấy dù có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được hoàn hảo cho phơi cá dưới khí trời thu se lạnh và nắng vàng nhạt trong từng cơn gió biển tự nhiên. Bởi thế, cá phơi khô ở Cửa Việt có cái chất ngon riêng của nó khiến ai cũng muốn ăn, bán đâu cũng cao giá là thế.

Con cá hấp phơi khô ở Cửa Việt có số phận riêng của nó. Trước đây nó chỉ được biết đến trong bữa cơm hằng ngày của ngư dân trong vùng. Cá hấp phơi khô chính thức “lên đời” từ khi Cửa Việt trở thành một cảng biển lớn, thu hút tư thương trong và ngoài nước tựu về làm ăn, buôn bán. Con cá hấp phơi khô với cái đặc trưng riêng của mình nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Lịch sử đã chỉ ra rằng vùng Cửa Việt đến nay có hai giai đoạn hưng thịnh nhất. Ban đầu là thời kỳ Chúa Nguyễn mở rộng giao lưu buôn bán với nước ngoài, khuyến khích phát triển kinh tế. Người dân ở Cửa Việt còn lưu truyền câu nói đầy tín hiệu thị trường ngày đó “tiền Hà Bá, cá phường Mành”, những địa phương ở vùng biển này từng giàu có về tiền bạc và vật phẩm nông ngư nghiệp như cá, tôm thông qua buôn bán giao lưu với nước ngoài.


Cá sau khi hấp được phơi khô sạch sẽ

Bây giờ là thời kỳ thứ hai. Cửa Việt đang chào đón sự trở lại của các thương gia nước ngoài đến làm ăn, buôn bán. Hình ảnh những thương gia đầu tư xây dựng các kho bãi lớn thu mua cá hấp khô cho thấy dấu hiệu thịnh vượng của ngày xưa đã trở lại. Ngư dân vùng biển Cửa Việt đã nhanh tay đón lấy cơ hội làm ăn hiếm có này.

Những nụ cười lấp lánh

Mà không thịnh vượng sao được! Chỉ ngần ấy thời gian mà ba xã ven biển gồm Gio Việt, thị trấn Cửa Việt và Gio Hải đã phát triển gần 150 lò hấp sấy cá khô, mỗi ngày hấp phơi được vài trăm tấn. Con số này sẽ còn phát triển hơn nữa. Nghề hấp cá khô đòi hỏi lao động phục vụ rất đơn giản như hấp cá, mang ra phơi, đóng hộp... nên ai cũng có thể làm được.

Ông Hồ Văn Thăng ở khu phố 3 thị trấn Cửa Việt có hai lò hấp cá phơi khô. Mỗi năm ông hấp phơi gần gần 1.000 tấn cá, cung cấp cho thị trường Trung Quốc, Lào. Gia đình của ông tạo việc làm cho 30 lao động, thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Trừ hết chi phí, ông lãi gần 500 triệu đồng/năm.

Không riêng gì ông Thăng, những ngư dân tôi gặp ở vùng biển này trông ai cũng rạng rỡ, vui tươi vì kiếm được nhiều tiền từ công việc hấp cá xuất khẩu. Ngư dân Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt khoe vừa bán mấy tạ cá hấp thu về gần 30 triệu đồng. Lò hấp cá phơi khô của anh công suất nhỏ nhưng trừ chi phí rồi mỗi ngày thu về hơn 1 triệu đồng. Anh Dũng cho biết hấp cá phơi khô xuất khẩu cho thu nhập cao mà đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu không lớn, dưới 100 triệu đồng có thể xây dựng được một lò. Nếu mỗi ngày hấp được 5 tấn trở lên, trừ chí phí thuê lao động rồi có thể lãi hơn 5 triệu đồng.


Trẻ em cũng tham gia phơi cá khô sau khi hấp để kịp bán

Khi tôi hỏi ai đang kiếm được tiền nhiều nhất từ hấp cá phơi khô, bà con ngư dân “bình chọn” đó là gia đình chị Trần Thị Hương ở thôn Xuân Ngọc. Chị Hương vừa hấp cá vừa thu mua xuất khẩu. Trung bình 4 kg cá tươi hấp phơi được 1 kg cá khô. Mỗi ngày chị xuất qua Trung Quốc 1 container cá khô. Với giá cá phơi khô tại chỗ từ 60 đến 70 ngàn đồng/kg, mỗi ngày chị Hương kiếm được rất nhiều tiền từ các lò hấp của mình.

Ông Lê Khắc Hiếu, Phó Chủ tịch HĐND xã Gio Việt, cho biết ở xã này nhiều gia đình ngư dân đang đếm tiền từng ngày từ những lò hấp cá. Không ít ngư dân kiếm mỗi năm trên 1 tỷ đồng tiền lãi. Nhờ hấp cá phơi khô xuất khẩu mà nhiều ngư dân có tiền làm nhà đến 3 - 4 tỷ đồng. Độc đáo ở chỗ cái nghề này phát triển kéo theo một loạt nghề khác cùng phát triển theo như nghề buôn bán muối, chất đốt, làm thợ mộc, đóng tàu đi biển khai thác cá... Cả vùng ven biển Gio Linh như đang cuốn vào câu chuyện hấp dẫn làm cá khô xuất khẩu.

Trở về từ chuyến thăm các lò hấp cá, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, lạc quan trước tín hiệu tốt lành trên. Thực tế cho thấy gần 50% dân số vùng Cửa Việt tham gia đánh bắt thủy hải sản mà vẫn không cung cấp đủ cho thị trường hấp cá xuất khẩu. Hệ thống hấp sấy cá khô hoạt động liên tục song hàng vẫn luôn được tiêu thụ sạch trơn. Mỗi lần bán sản phẩm cá khô ngư dân thu về từng cục tiền mới toanh, điều mà trước đó không ai dám mơ.

Ai cũng kỳ vọng vào sự phát triển của nghề chế biến cá khô xuất khẩu sẽ làm thay đổi lớn lao cho đời sống ngư dân. Tôi hỏi trước cơ hội trên huyện sẽ tiếp sức gì cho bà con, ông Lân khẳng định sắp đến sẽ thu hồi một phần đất đã cấp trước đây cho doanh nghiệp để lấy mặt bằng xây dựng khu chế biến hấp sấy cá khô và các thuỷ hải sản khác thay thế cho những lò sơ chế đang hoạt động. Chủ trương của huyện đầu tư mạnh về phương tiện kĩ thuật, máy móc chế biến hiện đại giúp bà con ngư dân làm ra sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, bán được giá cao hơn. Quyết tâm của ông Lân khiến bà con ngư dân rất khoái.

Huyện Gio Linh có bờ biển dài trên 15 km với gần 20 ngàn dân sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản. Tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản toàn huyện năm trước đạt hơn 12.000 tấn, chiếm 1/2 tổng sản lượng toàn tỉnh, trong đó xuất khẩu trên 5.000 tấn hàng cao cấp. Năng lực khai thác, chế biến thủy hải sản của huyện Gio Linh ngày càng mạnh với hơn 800 tàu thuyền các loại, với tổng công suất gần 20.000 CV.

LÂM QUANG HUY Báo Nông nghiệp VN