TIN THỦY SẢN

Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trên toàn cầu đạt kỷ lục

Diệu Thúy

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, tiêu thụ thủy sản tính theo đầu người trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, lần đầu tiên ở mức 20 kg/người. Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, đây là kết quả của việc cải tiến nuôi trồng thủy sản và giảm chất thải. Báo cáo cũng cho thấy, lần đầu tiên, tiêu thụ thủy sản nuôi cao hơn thủy sản khai thác. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo nguồn lợi biển tiêp tục bị lạm thác và khai thác ở mức không bền vững.

Manuel Barange, phụ trách Chính sách và nguồn lợi Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản của FAO đánh giá tốt về dữ liệu tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trên toàn cầu vượt mức 20kg/người /năm.  Trong 5 thập kỷ qua, nguồn cung thủy sản tăng nhanh hơn đáng kể so với mức tăng dân số.

Điều này rất quan trọng bởi thủy sản có tác động nhỏ hơn nhiều so với các nguồn protein động vật chính khác.

Thủy sản có mức chuyển hóa thức ăn hiệu quả hơn 6 lần so với gia súc, và hiệu quả hơn 4 lần so với thịt lợn. Do vậy, về mặt an ninh lương thực, tiêu thụ thủy sản tăng có ý nghĩa tích cực.

Sự tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản là động lực chính thúc đẩy mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trên toàn cầu. Trong những năm 1960, con số này ở mức 9,9 kg/người; những năm 1990, con số này tăng lên 14,4 kg/người.

Ông Barange cho biết ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu cung cấp 74 triệu tấn sản phẩm thủy sản, trong đó một nlà từ những loài không cần sử dụng thức ăn nuôi .

Điều này khá quan trọng bởi vì khi ngành nuôi trồng thủy sản phát triển thành một ngành công nghiệp, người ta quan  ngại về nguồn thức ăn nuôi, chủ yếu là bột cá sản xuất từ cá biển, do vậy có thể ảnh hưởng đến nghề cá biển. Ông cho biết thêm, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng một phần do tăng sử dụng sản phẩm thủy sản trong thực phẩm tiêu dùng thay vì  làm thức ăn chăn nuôi.

Trong những năm 1960, khoảng 67% sản lượng thủy sản dùng làm thực phẩm, con số hiện nay tăng lên khoảng 87% nhờ vào đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị và giảm thiệt hại, kết hợp với sự phát triển trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Barange cho biết, FAO đang cùng với các nước thành viên xây dựng các hướng dẫn nuôi trồng thủy sản bền vững  có thể thực hiện trong các chính sách quốc gia .

Rõ ràng, vẫn còn những trường hợp nuôi trồng thủy sản gây thiệt hại đến môi trường sống nhưng phần lớn là đang phát triển theo những phương pháp bền vững.

Báo cáo của FAO cho thấy, trong khi ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu có những dấu hiệu tích cực, thì , môi trường biển nhìn chung chưa được cải thiện.

Dựa trên phân tích của FAO về  trữ lượng các loài thủy sản thương mại, tỷ lệ các loài ở mức độ bền vững về mặt sinh học giảm từ 90% năm 1974 xuống còn 68,6% năm 2013. Do vậy, có đến 31,4% trữ lượng thủy sản bị khai thác quá mức.

Theo ông Barange, thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành thủy sản là việc quan trọng bởi ngành này tạo việc làm cho nhiều người và có giá trị  thương mại.

Có khoảng 57 triệu người đang tham gia vào lĩnh vực đánh bắt, 80% trong số đó ở châu Á. Khoảng 12% dân số thế giới sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy sản. Phần lớn số đó thuộc các nước đang phát triển.

Ngoài ra, thương mại thủy sản đã phát triển theo cấp số nhân trong những thập kỷ gần đây: năm 1976, XK thủy sản chỉ đạt 8 tỷ USD, con số này tăng lên 148 tỷ USD năm 2014.

Trong đó, 80 tỷ USD đã cải thiện trực tiếp tài chính của các nước đang phát triển. Con số này cao hơn so với tổng doanh thu thuần của thịt, thuốc lá, gạo và đường.

Vai trò của ngành thủy sản trong nền kinh tế và thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, thường được giảm nhẹ đi. Tuy nhiên vai trò của ngành là vô cùng quan trọng, bởi rất nhiều người nghèo trên thế giới phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này.

Diệu Thúy Vasep, 22/07/2016