TIN THỦY SẢN

Tìm cách hỗ trợ người dân nuôi cá bị chết ở Vũng Tàu

Cá chết trắng lồng khiến nhiều người nuôi cá ở xã Long Sơn, TP Vũng Tàu trắng tay Bài và ảnh: Ngọc Giang

Người dân xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đồng ý với kết luận của các cơ quan chức năng về nguyên nhân gây chết cá là do mưa lớn

Sáng 20-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp đột xuất với một số ban - ngành để giải quyết những phản ứng của người dân nuôi cá bị chết trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu). Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 254 tấn cá sắp đến kỳ thu hoạch của người dân nơi đây bị chết, thiệt hại hơn 29 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 19-10, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc với đại diện các hộ dân nuôi cá lồng bè bị chết trong các ngày 10 và 11-10. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng xác định là do mưa lớn, nước đổ về lưu lượng cao làm giảm độ mặn, giảm lượng ôxy đột ngột. Ngoài ra, mật độ nuôi quá dày cũng là nguyên nhân khiến cá chết nhiều trong thời gian qua.

Đa số ý kiến của người nuôi cá không đồng ý với thông báo trên. Họ cho rằng nguyên nhân khiến cá chết không đơn giản chỉ là do mưa và mật độ nuôi dày mà chính là do các nhà máy chế biển hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành xả thải trực tiếp ra sông.

“Nguyên nhân làm cá chết do các cơ quan chức năng thông báo theo tôi là chưa chính xác. Trong 2 ngày 10 và 11-10, lượng mưa không quá nhiều. Sau khi nghe thông báo nguyên nhân, người dân đã phản ứng, một số bỏ về” - ông Nguyễn Công Biên (ngụ xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) nói. Ông Biên nuôi 200 lồng cá chim và cá bớp. Vừa qua, sắp đến kỳ thu hoạch thì cá chết hàng loạt, thiệt hại từ 600-700 triệu đồng.

Tại cuộc họp trên, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Đó là ý kiến chủ quan của từng cá nhân, chúng tôi đã phân loại từng ý kiến và những hộ dân nào vẫn thắc mắc về kết quả của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ có thông báo bằng văn bản về tận nơi”.

Tại cuộc họp, các hộ dân cũng kiến nghị xây đập ngăn riêng khu vực xả thải của các nhà máy chế biến hải sản với khu vực nước ngọt tại cống số 6. Ông Trần Văn Cường cho rằng từ trước đó, các cơ quan chức năng đã có đề xuất nhưng còn đang khó khăn nên chưa thể triển khai. “Đối với các chính sách hỗ trợ người nuôi do thiên tai, hiện UBND tỉnh đang tiếp tục thống kê rồi mới có thể nói chính xác. UBND tỉnh sẽ có văn bản gửi các ngân hàng yêu cầu giãn nợ cho người nuôi cá” - ông Cường thông tin.

Về vụ kiện của 33 hộ dân nuôi cá đối với 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải xả thải ra môi trường khiến cá chết, thiệt hại 18 tỉ đồng vào năm 2015, theo ông Cường, người nuôi cá và các doanh nghiệp đang tiến hành thương lượng. Hiện đã có 3 doanh nghiệp đồng ý bồi thường cho người dân, vẫn còn 11 doanh nghiệp chưa có phản hồi. Nếu trong thời gian tới vẫn không thống nhất được, TAND TP Vũng Tàu sẽ đưa vụ kiện ra xét xử.

Nước thải vẫn xả trực tiếp ra hồ Tây

Gần 20 ngày sau sự cố hơn 200 tấn cá chết ở hồ Tây (Hà Nội), nhiều cơ quan chức năng vào cuộc điều tra song vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân. Trong khi đó, ngày 20-10, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hàng chục nhà hàng nổi đang hoạt động ven hồ Tây khu vực đường Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi, Nhật Chiêu… vẫn vô tư xả thải trực tiếp xuống hồ. Cùng với đó, những cống có đường kính khoảng 50 cm xả nước đen ngòm tại đường Từ Hoa, Yên Hoa... Nhiều cống đường kính cả mét ở khu vực cống đầu dốc khách sạn Sheraton, đối diện nhà 151 phố Nhật Chiêu, đã được cơ quan chức năng dùng lưới che lại song vẫn bốc mùi hôi thối, có nhiều cá chết nổi xung quanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, ông Đỗ Anh Tuấn, cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang phân tích các mẫu xét nghiệm để đưa ra kết luận chính thức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội.

Ng.Hưởng

Bài và ảnh: Ngọc Giang Người Lao Động, 21/10/2016