Tìm giải pháp quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tháp Mười
Mặc dù chính quyền các địa phương vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn người dân tự ý chuyển diện tích đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng không đúng quy hoạch nhưng nhiều người vẫn còn nuôi.
Trước tình trạng bùng phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực ĐTM của tỉnh Long An, ngày 15/7/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Mộc Hóa tổ chức Hội thảo “Đánh giá việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt và giải pháp quản lý”.
Các chuyên gia, nhà khoa học và Tổng cục Thủy sản, thống nhất kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo “không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm”.
Trả lời báo chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: "Qua đánh giá cho thấy, xét về tổng thể thì việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng; tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, gây sụt lún đất đai. Việc xả thải nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường sẽ làm thẩm thấu nước mặn vào đất, gây nguy cơ nhiễm mặn cho vùng nước ngọt; giảm năng suất lúa và các cây trồng khác".
Sau khi có đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học và Tổng cục Thủy sản, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các địa phương không sử dụng nước mặn, nước lợ để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Trong đó, chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, xử lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Kiên quyết không cho phép khoan giếng lấy nước mặn trong vùng nước ngọt để nuôi tôm thẻ chân trắng. Định kỳ tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã vùng ĐTM tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Tuyên truyền những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; tác hại của việc sử dụng nước mặn từ giếng khoan và bổ sung thêm muối để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương; tiếp tục có giải pháp xử lý từng trường hợp vi phạm về nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, nhất là các vi phạm về chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng, khoan giếng lấy nước mặn, bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý và lấp ao trả lại hiện trạng đất trồng lúa đối với các trường hợp đào ao mới, đào ao sau khi đã bị xử lý, cam kết không nuôi tôm thẻ chân trắng.
Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Điện lực rà soát lại hồ sơ cấp điện đã cấp cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện, thị xã khu vực ĐTM. Qua đó, tuyệt đối không cấp điện cho các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng; kiểm tra, xử lý hộ dân sử dụng điện không đúng mục đích xin phép ban đầu.
Dù vậy, theo bà Đinh Thị Phương Khanh, hiện nay, do hiệu quả kinh tế khá cao nên diện tích nuôi tôm thẻ phát triển nhiều không chỉ ở huyện Môc Hóa mà còn ở các huyện khác như Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa,...