TIN THỦY SẢN

Tìm hướng đi cho sản phẩm tôm xuất khẩu đảm bảo ATVSTP

Ao nuôi tôm sú đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. KS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG

Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Chỉ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của nhà nhập khẩu, có đầu ra ổn định thì nghề nuôi tôm mới có thể phát triển ổn định và bền vững.

Nuôi tôm ở nước ta được xem là một nghề phát triển nhanh, song một số nơi còn mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp đã dẫn đến tôm nuôi thường xuyên bị bệnh; vì thế để thu được kết quả tốt thì người nuôi phải sử dụng thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho tôm.

Hiện nay các nước nhập khẩu đã sử dụng rào cản kỹ thuật là vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Chính vì vậy, muốn sản phẩm tôm xuất khẩu được thì phải thực hiện tích cực các biện pháp đồng bộ dưới đây, từ khâu quản lý đến sản xuất nguyên liệu và thu gom, chế biến sản phẩm để vượt qua rào cản này:

Ngành Thủy sản nên tăng cường năng lực kiểm tra cả về lực lượng kỹ thuật và trang bị phương tiện hiện đại để có thể kiểm tra nhanh, chính xác và thông báo kịp thời về bệnh, diễn biến môi trường, mức nhiễm hóa chất, kháng sinh, tình hình thị trường. Phối hợp với các Viện, trường tổ chức tập huấn kỹ thuật kiểm tra bệnh, kỹ thuật kiểm nghiệm dư lượng hóa chất, kháng sinh bằng thiết bị tiên tiến cho cán bộ chuyên môn của các địa phương.

Để hạn chế việc phải sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho tôm thì trước hết tôm nuôi phải khoẻ mạnh. Sức khoẻ của tôm phụ thuộc lớn vào điều kiện môi trường sống. Nếu nước sạch, không có các tác nhân gây bệnh, tôm được đáp ứng đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết sẽ lớn nhanh, phát triển tốt, không mắc bệnh, cho năng suất cao.

Nên quy hoạch vùng nuôi để xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ, đặc biệt chú ý tới hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường cho toàn khu vực; kiểm tra thường xuyên môi trường các vùng nuôi, có biện pháp mạnh ngăn chặn các điểm nuôi không tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tự nhiên và môi trường vùng nuôi tập trung.

Nên quy hoạch các vùng nuôi tôm theo các phương thức nuôi tôm sạch, có thể thực hiện biện pháp xây dựng điểm xử lý tập trung, điểm thu gom chất thải rắn của quá trình vét bùn tẩy dọn đáy ao có sự đóng góp phí của cộng đồng; có như vậy mới chấm dứt tình trạng thải nước trực tiếp từ đầm nuôi ra nơi lấy nước chung của cả vùng và thải nước chưa xử lý ra môi trường tự nhiên.

Những dự án nuôi tôm mới được phê duyệt nên thực hiện theo Quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tập trung, người dân sản xuất theo tổ quản lý cộng đồng nhằm giữ được môi trường sạch, tạo sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, để sản phẩm nuôi có đầu ra mới có thể phát triển nuôi ổn định và bền vững.

Kiểm tra thường xuyên các điểm dịch vụ thức ăn, hóa chất, thuốc thú y thủy sản; kiểm tra môi trường vùng nuôi; kiểm dịch, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, nhất là các chợ đầu mối. Kiên quyết xử lý các trường hợp còn cất giấu, mua bán những sản phẩm có chứa hóa chất, thuốc kháng sinh cấm sử dụng.

Chủ động sản xuất giống tại chỗ để tạo con giống khỏe, thích nghi với điều kiện môi trường ở địa phương, hạn chế được dịch bệnh lan truyền. Những nơi còn thiếu giống nên đưa các chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư sản xuất tôm giống. Tất cả tôm giống thả nuôi phải kiểm dịch để ngăn ngừa lây lan bệnh ra diện rộng.

Công tác kiểm dịch phải được thực hiện tại cơ sở sản xuất giống kể cả tôm bố mẹ và tôm giống xuất trại. Kiên quyết không để vận chuyển giống từ những vùng phát hiện có mầm bệnh phát tán ra các vùng khác. Duy trì thả giống ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi và tạo nguồn tôm bố mẹ tự nhiên phục vụ cho sản xuất giống.

Công tác khuyến nông và thông tin tuyên truyền cần được tăng cường để khuyến cáo cho người dân hiểu rõ về vấn đề dư lượng hóa chất và kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Chỉ khi người dân nhận thức đúng, đầy đủ, thấy rõ ý nghĩa của vấn đề có liên quan trực tiếp đến thu nhập của họ nếu sản phẩm làm ra mà không bán được, từ đó tự giác áp dụng các biện pháp nuôi sạch, không sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi tôm và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch thì mới tạo được sản phẩm sạch.

Xây dựng mạng lưới thông tin khuyến nông 2 chiều, kể cả những thông tin về kinh tế, thị trường, kỹ thuật từ Trung ương đến tận người sản xuất để phục vụ kịp thời cho công tác quản lý sát với thực tế và người sản xuất tiếp cận nhanh với kỹ thuật và sản xuất ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tổ chức tham quan, hội thảo, tổng kết các mô hình nuôi tôm có hiệu quả kinh tế cao, không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng để có thể nhân rộng. Nghiên cứu hóa chất, thuốc kháng sinh thay thế các thuốc cấm, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi tôm sạch và xây dựng tiêu chuẩn vùng nuôi tôm sạch tập trung để hạn chế dịch bệnh và chỉ sử dụng những hóa chất, thuốc kháng sinh trong danh mục được phép sử dụng để phòng trị bệnh cho tôm.

Chọn đối tượng mới có giá trị xuất khẩu cao và có những đặc tính ưu việt, khả năng kháng bệnh cao, chịu được môi trường khắc nghiệt để có thể thay thế một phần cho tôm sú. Nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch và xây dựng mô hình chế biến sau thu hoạch không dùng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng để bảo quản sản phẩm.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nên kiểm tra trực tiếp chất lượng nguyên liệu tại nơi sản xuất trước khi thu mua. Các doanh nghiệp cần chủ động tạo nguồn nguyên liệu sạch, thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn, có thể ứng trước một phần vốn sản xuất cho vùng nuôi tôm nguyên liệu để người nuôi yên tâm sản xuất và có trách nhiệm với sản phẩm, giảm dần tình trạng phải thu mua nguyên liệu thông qua các chủ vựa thu gom không rõ xuất xứ, nguồn gốc.

Kiểm tra việc bảo quản sau thu hoạch của các cơ sở, cá nhân thu gom tôm nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến, xử lý mạnh đối với các trường hợp sử dụng hóa chất để bảo quản tôm nguyên liệu. Để gắn trách nhiệm của người sản xuất với sản phẩm của mình thì hàng thủy sản xuất khẩu phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thực hiện các biện pháp đồng bộ từ quản lý đến sản xuất giống, môi trường, công nghệ nuôi, bảo quản chế biến, coi trọng quản lý cộng đồng, kết hợp với việc gắn quyền lợi, trách nhiệm của chính người sản xuất đối với sản phẩm của mình làm ra.

Có như vậy mới tạo được sản phẩm tôm sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao uy tín, chất lượng hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng thật sự phát triển ổn định và bền vững.

KS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG Báo Ấp Bắc