TIN THỦY SẢN

Tìm ra nguyên nhân cá lồng bè ở Hà Tĩnh chết đột ngột

Hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt không liên quan đến yếu tố dịch bệnh. Thanh Nga

Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc vừa có báo cáo kết quả quan trắc đột xuất hỗ trợ kiểm tra, xác định nguyên nhân khiến gần 100 tấn cá nuôi lồng bè trên các con sông ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chết đột ngột.

Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc vừa có báo cáo kết quả quan trắc đột xuất hỗ trợ kiểm tra, xác định nguyên nhân khiến gần 100 tấn cá nuôi lồng bè trên các con sông ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chết đột ngột.

“Căn cứ trên các thông số môi trường nước đã phân tích, cơ quan này tạm thời nhận định sự biến động đột ngột của độ mặn, kết hợp với sự bất lợi của các yếu tố khác như hàm lượng ô xy hòa tan, độ kiềm và hàm lượng Fets có thể là nguyên nhân gây nên hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt”, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói.

Cụ thể, kết quả đo và phân tích các chỉ tiêu trong 7 mẫu nước cho thấy: độ mặn trong các mẫu thu thấp, dao động từ 1 - 3% (độ mặn vùng nuôi trước khi xảy ra lũ lụt dao động từ 10 - 15%). Độ kiềm dao động từ 20 - 40mg/l, thấp hơn giới hạn thích hợp 60 – 180 mg/l. Hàm lượng Fe trong mẫu nước cao hơn giới hạn 3,4 lần. Độ pH tại thời điểm thu mẫu thấp hơn giới hạn thích hợp; hàm lượng DO đo tại sông đều thấp hơn giới hạn thích hợp (25 mg/l).

Do độ mặn giảm đột ngột nên cá nuôi bị sốc, giảm khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, sự biến động của độ mặn và độ kiềm ảnh hưởng đến hệ đệm trong môi trường nước, làm giảm pH, giảm sự sinh trưởng của thực vật phù du.

Ngoài ra, sự biến động mạnh của độ mặn cũng dẫn đến việc thay đổi đột ngột các quá trình trao đổi chất, quá trình thẩm thấu của tế bào. Sự thay đổi này khiến cá không kịp thích nghi và tác động mạnh đến sức khỏe. Hơn nữa theo các nghiên cứu trước đây, sự giảm độ mặn dẫn đến tăng độc tố của các kim loại nặng.


Độ mặn giảm đột ngột là nguyên nhân chính khiến cá bị sốc.

Hàm lượng Fets cao có thể là nguyên nhân khác tác động xấu đến sức khỏe của cá. Sắt có thể bám vào mang cá, cản trở quá trình hô hấp của cá. Mặt khác, thời điểm cá chết vào rạng sáng là lúc hàm lượng ôxy trong môi trường nước xuống thấp nhất và nước thượng nguồn đổ về mang theo vật chất hữu cơ và các chất thải nông nghiệp, công nghiệp làm ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi.

Các thông số quan trắc khác đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép.

Đối với yếu tố bệnh, kết quả phân tích 4 mẫu cá thu được đều cho kết quả âm tính với virut VNN và Irrido.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo, trước mắt người dân không thả giống mới ở thời điểm hiện tại. Tập trung vệ sinh lưới lồng và phơi khô trước khi vào vụ nuôi tiếp theo. Chỉ thả giống mới khi có khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Không vứt cá chết ra ngoài môi trường, thu gom và xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương.

Trước đó, NNVN đưa tin, đêm 8/9 trên sông Rào Cái và Sông Nghèn (hay còn gọi sông Đò Điệm), huyện Thạch Hà xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè và một số loài cá tự nhiên chết hàng loạt. Ước tính có khoảng gần 100 tấn cá chẽm của hơn 50 hộ dân bị chết.    

Thanh Nga NNVN