TIN THỦY SẢN

Tìm thương hiệu cho đặc sản Cà Mau

Nhiều đặc sản nổi tiếng của Cà Mau đã và đang được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết những loại đặc sản này hiện vẫn chưa tìm được thương hiệu đúng với giá trị đích thực của nó.

Ba khía Rạch Gốc, mắm cá lóc Thới Bình-2 loại đặc sản nổi tiếng ở Cà Mau hiện vẫn chưa được công nhận thương hiệu - Ảnh: Chí Tín

Bùi ngùi… đặc sản

Có lợi thế ba mặt giáp biển, kênh rạch chằng chịt với 2 hệ sinh thái mặn - ngọt đan xen nhau, nên các loại thủy hải sản của Cà Mau rất đa dạng và phong phú. Cửa biển Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân) nổi tiếng với nghề làm khô cá khoai. Hằng năm, làng nghề này cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh hàng chục tấn khô khoai. Vùng đất Rạch Gốc (xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển) là quê của con ba khía. Ba khía Rạch Gốc từ lâu đã được nhiều người biết đến. Mật ong rừng U Minh Hạ, khô mực Sông Đốc, mắm lóc Thới Bình…đều  là những món ngon, ai được một lần nếm thử sẽ nhớ mãi.

Ngoài các sản phẩm trên, Cà Mau còn có khô cá kèo, khô cá lóc, khô cá sặt rằn… Đây đều là những loại đặc sản từ lâu đã được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công, mang nặng tính tự phát nên giá trị kinh tế chưa cao. Chẳng hạn như số phận con ba khía Rạch Gốc, đến nay nó gần như bị lãng quên, cho dù cái hương vị thơm ngon của nó thì khó vùng nào sánh được. Ở xã Trần Hợi (H.Trần Văn Thời) có làng nghề ép chuối khô truyền thống với hàng trăm hộ dân. Để có được những sản phẩm chuối khô, nông dân đã phải trải qua một quá trình tìm tòi, học hỏi tỉ mỉ, công phu, có thể mất hàng chục năm. Vì không có thương hiệu trên thị trường nên người làm ra nó thường xuyên phải đối mặt với chuyện sản phẩm không có đầu ra và giá cả luôn biến động thất thường.

Đi tìm thương hiệu cho hàng đặc sản

Ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm), người có thâm niên trong nghề làm khô cá khoai ở H.Phú Tân, trăn trở: “Tuy nghề làm khô cá khoai giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân, song hiện nay, làng nghề khô cá khoai ở Cái Đôi Vàm đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn cá nguyên liệu trong tự nhiên ngày càng sụt giảm;  sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái, nên thường bị ép giá những lúc vào mùa vụ. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là được Nhà nước hỗ trợ vốn và giúp xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị của các mặt hàng đặc sản”.

Năm 2011, sau bao nhiêu năm gầy dựng, nông dân Cà Mau đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận thương hiệu tập thể cho các mặt hàng truyền thống. Đó là tôm khô Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển), cá khô bổi (H.Trần Văn Thời) và mật ong U Minh Hạ (H.U Minh). Đây là niềm vui lớn của nông dân Cà Mau. Hội Nông dân các huyện Ngọc Hiển, Trần Văn Thời và U Minh, chủ sở hữu thương hiệu tập thể nói trên, sẽ tập trung xây dựng kế hoạch và có chiến lược tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các thương hiệu này. Về lâu dài, tỉnh Cà Mau sẽ quan tâm đầu tư, củng cố phát triển bền vững ngành nghề truyền thống. Đồng thời tỉnh sẽ quy hoạch, bố trí sản xuất hợp lý để tạo nguồn nguyên liệu, cung ứng nguồn hàng hóa ổn định cho thị trường.

Năm 2012, Sở KH-CN Cà Mau tiếp tục lập dự án đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận thương hiệu tập thể cho các sản phẩm như cua biển Năm Căn, mắm cá đồng Thới Bình, khô cá khoai Cái Đôi Vàm và cá bống tượng, cá chình Tân Thành. Đặc sản Cà Mau đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trên thị trường. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho những người luôn trăn trở tìm lối ra cho đặc sản Cà Mau.

Thanh Niên Online