Tinh dầu vỏ cam kháng sinh tự nhiên cho cá
Nghiên cứu gần đây cho thấy khi bổ sung tinh dầu vỏ cam vào thức ăn kích thích cá tăng trưởng mạnh mẽ, kích thích miễn dịch đồng thời tăng cường khả năng đề kháng với bệnh do vi khuẩn trên cá.
Ngày nay, việc sử dụng tinh dầu thực vật bổ sung vào thức ăn thủy sản giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi. Nhắc đến những tinh dầu sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như tinh dầu quế, cây Bạch Hoa, tinh dầu chanh hay tinh dầu tầm xuân... thì không thể bỏ qua những loại tinh dầu có nguồn gốc từ các loài cây có múi.
Tinh dầu cam là tinh dầu được triết xuất từ vỏ cam, với các thành phần nổi bật như Limonene chiếm từ 85% đến 96%, myrcene chiếm 0,5 % đến 3 %. Limonene được sử dụng phổ biến trong thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Trong đó công dụng đặc biệt của Limonene là chất chống lại oxy hóa mạnh mẽ, còn myrcene phòng chống và ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm, giảm đau hiệu quả…Các hợp chất này được coi là loại monoterpene giúp chống và ngăn chặn phát triển của của mầm bệnh trong cơ thể. Trong Đông y, tinh dầu vỏ cam quýt còn có tên gọi là trấn bì, giúp cải thiện sức khỏe rất hiệu quả.
Hiện nay nuôi cá Rô phi ở nước ta và trên thế giới đang gặp phải một loại bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus sp gây nên. Đây là loại bệnh vi khuẩn gây nguy hiểm cho nhiều loài cá nhưng đặc biệt là cá rô phi. Streptococcus sp được coi là bệnh gây ra sự tàn phá nhiều nhất, có thể gây chết cá với số lượng lớn, cá có kích cỡ lớn và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.
Cá bị nhiễm Streptococcus iniae
Nghiên cứu này được thực hiện để xác định ảnh hưởng của việc bổ sung chiết xuất tinh dầu vỏ cam (Citrus sinensis) vào thức ăn đối với hiệu suất tăng trưởng, các thông số miễn dịch máu và khả năng đề kháng đối với tác nhân gây hại là Streptococcus iniae ở cá rô phi Mozambique (Oreochromis mossambicus).
Nghiên cứu tác dụng của tinh dầu vỏ cam trên cá
Cá được chia thành 4 nhóm và cho ăn trong 90 ngày với bốn chế độ ăn thử nghiệm (3 chế độ ăn bổ sung với 0,1%, 0,3% và 0,5% tinh dầu vỏ cam (EO) và một nhóm đối chứng). Sau đó, các thông số miễn dịch chính của cá như lysozyme, hoạt động myeloperoxidase, chỉ số huyết học và các thông số sinh hóa (nồng độ hemoglobin, số lượng bạch cầu, hồng cầu, tổng protein huyết thanh, glucose, albumin, globulin, cholesterol và triglycerid) đã được kiểm tra và nghiên cứ. Sau đó các nhóm cá sẽ được gây nhiễm thực nghiệm với vi khuẩn Streptococcus iniae để kiểm tra khả năng đề kháng.
Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng đối với cá rô phi ăn bổ sung chiết xuất vỏ cam EO, tất cả các thông số đều cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Chứng tỏ khi đưa vào cơ thể, tinh dầu từ loài cây có múi này đã tác động đến hệ thống miễn dịch của cá một cách tích cực, làm cho các chỉ số có lợi trong hệ thống huyết học của cá tăng có ý nghĩa.
Hơn nữa, việc bổ sung tinh dầu này vào khẩu phần ăn cũng giúp làm giảm tỷ lệ chết cá sau khi nhiễm S. iniae.
Từ những phân tích mang tính khoa học trên, có thể kết luận rằng chiết xuất tinh dầu vỏ cam có thể hoạt động như một chất kích thích (promoter) tăng trưởng tự nhiên, tăng khả năng miễn dịch và cải thiện khả năng đề kháng bệnh của đối với mầm bệnh S. iniae ở cá rô phi.
Các nghiên cứu trước của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng cho thấy bổ sung bột vỏ chanh vào thức ăn có thể kích thích tăng trưởng và hoạt động miễn dịch của cá. Từ đây chúng ta thấy rằng vỏ trái của cây có múi như cam, chanh có thể bổ sung vào thức ăn cá nhằm phòng bệnh cho cá và có thể được sử dụng như một chất thay thế kháng sinh để kiểm soát các bệnh trong thức ăn cá nuôi.