Tôm càng xanh: Sản xuất giống theo mô hình nước xanh cải tiến
Tôm càng xanh là một trong những đối tượng quan trọng trong nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. Quy trình sản xuất giống tôm càng xanh theo mô hình nước xanh cải tiến vừa dễ thực hiện, chi phí thấp và đạt hiệu quả cao.
Xây dựng và trang bị trại giống
Vùng ven biển hoặc vùng sâu nước ngọt. Trại giống thoáng mát, nên được lợp bằng mái che tôn xen mái che nhựa trong suốt để đảm bảo ánh sáng xuyên vào cho tảo và tôm phát triển.
Trong trại bố trí 1 - 2 bể chứa nước mặn, mỗi bể có thể tích 10 - 20 m3. Nếu có bể lọc thì càng tốt. Bể ương tôm bố mẹ có thể tích 2 - 4 m3, dưới đáy bể phủ lớp cát dày 0,5 - 2 cm. Bể ương được làm bằng composite, màu xanh lá cây sậm, có thể tích 0,5 - 1,5 m3, tròn, đáy hình chóp. Ngoài ra, cần có thêm một số bể nuôi tảo kích thước 1×1×1 m, dụng cụ ấp nở Artemia, bể cho tôm nở (50 - 100 l/bể).
Ao nuôi tôm bố mẹ có diện tích từ vài trăm m2 đến 1 ha. Hệ thống ương tôm Postlarva gồm ao có diện tích 200 - 600 m2, bể 4 - 6 m2, giai lưới 4 - 20 m2.
Trại cần được lắp đặt đầy đủ và hoàn chỉnh các hệ thống nước, hệ thống sục khí và hệ thống phát điện dự phòng để đảm bảo sự vận hành của trại giống. Ngoài ra, cần có đầy đủ các dụng cụ như lưới vợt, thau chậu, ống xi phông, cốc, cân, tủ lạnh, kính hiển vi…
Ao nuôi tôm bố mẹ
Tôm bố mẹ nên nuôi từ tôm con để chủ động nuôi dưỡng với chế độ thích hợp. Mật độ thả ban đầu 4 - 5 con/m2, khi tôm lớn cần hạ xuống 2 con/m2. Tỷ lệ đực - cái là 1:4.
Thức ăn cho tôm có thể là cá tạp, nhất là cá biển. Ngoài ra, bổ sung thức ăn công nghiệp (40% đạm, 6 - 9% lipid) là rất cần thiết. Hàng ngày cho ăn bằng 5% trọng lượng thân.
Sau khi nuôi 6 tháng, định kỳ kéo lưới thu tôm trứng vàng chuyển lên bể nuôi bố mẹ và tôm trứng đen cho nở.
Xử lý nước
Nguồn nước mặn và nước ngọt là nước sông cần được xử lý Chlorine 30 mg/l, cho sục khí mạnh trong 3 ngày trước khi sử dụng. Nước để ương ấu trùng có độ mặn 10 - 12‰.
Nuôi tảo
Sử dụng nước nuôi cá rô phi là cách hiệu quả để tiến hành gây, nuôi tảo. Bể nuôi bằng composite hay xi măng có thể tích 1 - 1,5 m3. Mực nước ban đầu khoảng 0,5 m. Nước có độ mặn ban đầu 5 - 6‰, sau đó tăng lên 10 - 12‰. Thả cá rô phi có khối lượng 20 - 50 g/con, với mật độ 20 con/bể. Cho cá ăn hàng ngày bằng thức ăn viên với tỷ lệ 5% trọng lượng thân. Sau thời gian nuôi khoảng 1 tuần đến 10 ngày, nước bể có màu xanh tảo lục mà đa số (90%) là tảo Chlorella. Mật độ tảo có thể đạt đến 5 triệu tế bào/ml. Lúc này có thể sử dụng nước tảo hàng ngày để cấy vào bể ương ấu trùng. Hàng tuần thay 50% thể tích nước.
Chọn tôm trứng và cho tôm nở
Chọn tôm: Tôm khỏe mạnh, không bị dị tật dị hình, không có dấu hiệu bị bệnh, có trọng lượng 50 - 80 g, trứng có màu xám đen, khối lượng trứng không quá rời rạc hay dễ rơi rớt.
Mỗi bể nở thể tích 50 lít có thể thả 2 - 3 con tôm trứng. Bể phải được liên tục sục khí mạnh. Hàng ngày tiến hành xi phông và thay nước. Trong quá trình nuôi, đảm bảo nước có độ mặn 5‰. Thường xuyên theo dõi để biết thời điểm trứng nở. Thường trứng sẽ nở ngay trong đêm đó hoặc sau vài ngày.
Thu ấu trùng: Ngưng sục khí, che tối thành bể và mặt bể, chỉ để một chỗ trống cho ánh sáng lọt vào. Ấu trùng sẽ tập trung lại nơi có ánh sáng, dùng ống xi phông hút những ấu trùng hướng quang cho vào bể khác. Hút và rửa ấu trùng bằng Formol 200 mg/l trong 30 giây trước khi chuyển vào bể ương.
Ương nuôi ấu trùng
Trước khi ương, cần tiến hành xử lý vệ sinh bể ương kỹ bằng Chlorine 100 mg/l , sau đó rửa lại bằng nước sạch. Cho nước vào bể ương với mực nước khoảng 0,5 - 0,6 m, duy trì độ mặn 10 - 12‰. Sử dụng nước tảo từ bể cá rô phi cho vào bể ương để có màu xanh nhạt với mật độ tảo khoảng 0,5 - 1 triệu tế bào/ml. Tiến hành chuyển ấu trùng vào bể với mật độ 50 - 70 ấu trùng/lít nước.
Cho ăn và chăm sóc
Bốn ngày đầu, cho ấu trùng ăn Artemia 1 - 2 con/ml mỗi lần, cho ăn 2 lần/ngày. Trứng của Artemia sau khi ấp và nở xong, thu cả ấu trùng và vỏ trứng cho vào bể ương mà không tách bỏ vỏ. Sau đó mỗi ngày bổ sung thức ăn chế biến (4 lần/ngày) vào ban ngày, còn Artemia cho ăn vào chiều tối với mật độ như trên. Thức ăn chế biến có công thức cơ bản gồm: trứng gà 1 quả, sữa 10 - 20 g, dầu mực 3%. Tùy từng giai đoạn ấu trùng mà cho thức ăn kích cỡ khác nhau:
Giai đoạn 4 - 5: 300 - 400 µm
Giai đoạn 6 - 8: 400 - 500 µm
Giai đoạn 9 - 11: 650 - 1.000 µm
Khi cho ăn phải hết sức cẩn thận, rải đều xung quanh, theo dõi hoạt động ăn của ấu trùng tránh làm thức ăn dư thừa, gây bẩn nước.
Môi trường: nhiệt độ tốt nhất là 26 - 31oC, ánh sáng 6.000 - 18.000 lux, chu kỳ chiếu sáng hàng ngày 10 - 20 giờ, ôxy hòa tan đảm bảo trên 5 mg/l.
Cho tảo vào bể một lần duy nhất với mật độ 0,5 - 1 triệu tế bào/ml. Trong suốt thời gian ương không cần bổ sung thêm vì mật độ tảo sẽ tăng dần trong quá trình nuôi, có thể đạt 2 - 3 triệu tế bào/ml.
Lưu ý: Ương ấu trùng trong môi trường nước xanh cải tiến không cần thay nước, không xi phông làm động đáy bể, không dùng bất cứ thuốc kháng sinh nào.
Thu hoạch Postlarvae
Sau 25 ngày ương, hầu hết ấu trùng đã chuyển sang Postlarvae, cần đặt thêm một số vật bám như lưới, ni-lông vào bể để chúng bám vào, hạn chế ăn lẫn nhau. Thuần hóa dần với nước ngọt để tôm sống hoàn toàn trong nước ngọt sau này. Tỷ lệ sống từ ấu trùng đến giai đoạn này có thể đạt 30 - 70%, có khi đạt tới 90%.
Đặc điểm chính của phương pháp này là sử dụng tảo Chlorella, không thay nước, không hút cặn đáy suốt quá trình ương. Vì vậy, quy trình ương khá đơn giản, có thể được phát triển rộng rãi.