TIN THỦY SẢN

Tôm hùm xanh tăng giá

Giá tôm hùm xanh ở Phú Yên tăng, nhiều người nuôi có lãi Lê Trâm

Những ngày này, dọc theo đường ven đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu), nhiều người xuất bán tôm hùm xanh với giá 750.000 đồng/kg, tăng 150.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm ngoái. Với giá như hiện nay, người nuôi tôm đang có lãi.

Ông Nguyễn Văn Ánh ở xã Xuân Cảnh, nuôi tôm hùm xanh trên đầm Cù Mông đang xuất bán tôm, cho hay: Gần đây, giá tôm hùm xanh thương phẩm tăng mạnh trở lại. Tôi mới xuất bán 3 tạ với giá 750.000 đồng/kg, thu 225 triệu đồng. Năm ngoái cũng tháng này, tôi bán 1 tạ tôm chỉ thu 60 triệu đồng.

Còn ông Lưu Thái Hòa ở thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, dùng ghe chở tôm hùm xanh từ đầm Cù Mông cập vào bờ cân bán, nói: Tôi nuôi 7 tháng, xuất bán 2 tạ, trọng lượng 3 con/kg, với giá 750.000 đồng/kg, thu 150 triệu đồng, đó là chưa tính số tôm mới thay vỏ còn nằm dưới nước. Ước tính số tôm cốm (tôm vỏ mềm) còn lại trên 2 tạ nữa.

Tại Gành Đỏ, phường Xuân Đài, nhiều người nuôi tôm cũng đang xuất bán tôm.

Ông Nguyễn Hữu Thành, người dân ở đây, cho hay: Tôi nuôi tôm hùm xanh 8 tháng, trọng lượng đạt bình quân 0,4kg/con, với giá hiện nay thì mỗi lồng 100 con, bán được 30 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí con giống 8 triệu đồng, tiền đầu tư mua thức ăn 15 triệu đồng, còn lại mỗi lồng nuôi lãi 7 triệu đồng, với 10 lồng nuôi thu 70 triệu đồng. Đây là tôi nuôi ít, nhiều người nuôi 20 lồng lãi gấp đôi.

Tôm hùm xanh nuôi trong thời gian ngắn chỉ 7-8 tháng, con giống dễ mua. Còn tôm hùm sao thì phải nuôi 12 tháng, con giống khan hiếm nên thời gian gần đây người nuôi tôm ở TX Sông Cầu chọn nuôi tôm hùm xanh. Dọc theo vùng nuôi tôm Gành Đỏ và gần khu du lịch Nhất Tự Sơn, cũng như ở thôn Phú Dương, nhiều người đầu tư đóng lồng bè thả vụ nuôi mới. Theo nhiều người nuôi tôm hùm, nếu đầu tư làm mới, người dân chi phí từ 3-3,5 triệu đồng/lồng (tùy theo kích cỡ). Nếu đầu tư nuôi tôm hùm xanh thời điểm hiện nay thì vẫn có thể thu hoạch trong năm. Còn lứa tôm mà người nuôi bán những ngày gần đây được nuôi từ năm 2016. Thế nhưng, lượng tôm nuôi từ năm ngoái qua đến đầu năm nay xảy ra dịch bệnh nên tôm chết khá nhiều.

Theo ông Phạm Xuân Hương, Trưởng Trạm Thú y TX Sông Cầu, sau khi xảy ra hiện tượng tôm hùm chết nhiều hồi đầu năm 2017, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cùng chính quyền địa phương tổ chức tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản cho hơn 100 người nuôi tôm hùm trên địa bàn TX Sông Cầu. Đại diện Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã nêu ra một số bệnh thường gặp trên tôm hùm nuôi, hướng dẫn cụ thể một số phác đồ điều trị các bệnh trên tôm hùm như đỏ thân, đen mang và đặc biệt là bệnh sữa. Các hộ nuôi còn được tập huấn về quy định phòng, chống dịch bệnh thủy sản, giải pháp phòng bệnh tổng hợp cho thủy sản nuôi và một số giải pháp xử lý ổ dịch bệnh động vật thủy sản. Từ đó đến nay, hiện tượng tôm chết chững lại.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền để người nuôi có ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi bằng cách thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng, mỗi tổ 10 người. Trong quá trình nuôi chung trên vùng nước, người nuôi lâu năm có kiến thức, kinh nghiệm hướng dẫn cho người mới nuôi để nắm bắt kỹ thuật. Từ đó, người nuôi có ý thức nuôi thưa, giảm lượng thức ăn, ngăn chặn tình trạng tôm chết vì nước ô nhiễm. Đồng thời, UBND thị xã cũng khuyến cáo người nuôi tôm đầu tư vụ mới cần lưu ý không nên nuôi dày. Vì tôm hùm ăn thức ăn tươi sống, nếu nuôi dày bỏ thức ăn nhiều dẫn đến thức ăn thừa rơi xuống vịnh, đầm, tồn đọng lâu ngày làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra dịch bệnh cho tôm.

Lê Trâm Báo Phú Yên