TIN THỦY SẢN

“Tôm khô Rạch Gốc” vươn xa hơn nhờ ứng dụng công nghệ mới

"Tôm khô Rạch Gốc" là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Trần Hiếu

Đã 9 năm từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc”, những người dân ở miệt rừng đước huyện Ngọc Hiển, Cà Mau ngày càng khá giả nhờ làm nghề.

Nghề làm tôm khô ở huyện Ngọc Hiển không ai biết hình thành tự khi nào, chỉ nghe nhiều người lớn tuổi kể lại là có cả trăm năm. Khi đó, ở vùng ven biển nơi đây bà con chủ yếu làm nghề đóng đáy, đặt vó với sản lượng tôm dồi dào, không tiêu thụ hết. Họ đã luộc chín tôm trong nước muối nhạt rồi phơi khô, trữ lại dùng dần. Sau đó, các thương lái người Hoa tìm đến thu mua, bà con làm nghề bắt đầu tìm tòi để làm ra sản phẩm đẹp mắt, chất lượng hơn. Làng nghề "tôm khô Rạch Gốc" khởi phát từ đó.

Qua nhiều năm, với bao biến cố, thăng trầm làng nghề truyền thống "tôm khô Rạch Gốc" đã tìm được vị thế riêng, khi năm 2011 được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Đi cùng với việc tạo dựng lại làm nghề đã bắt đầu đa dạng các loại sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho con tôm xứ mình.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), hộ dân đã gần 40 gắn bó với nghề truyền thống của gia đình chia sẻ: “HTX giờ cũng có nhiều sản phẩm đạt danh hiệu cấp tỉnh, cấp khu vực. Được bà con trong nước tín nhiệm về chất lượng. Không phải tôm khô không mà còn nhiều sản phẩm khác từ con tôm. Như tôm nguyên vỏ, tách vỏ, chà bông, mắm tôm, bánh phồng tôm... Quan tâm xây dựng chất lượng nên các sản phẩm mình làm ra bà con đều yêu thích”.

Đặc biệt, trong năm qua, HTX Tân Phát Lợi còn đưa vào sử dụng máy sấy tôm khô sử dụng năng lượng mặt trời. Từ khi đưa thiết bị sấy tự động này vào sử dụng, thu nhập của bà con trong HTX cũng được tăng thêm nhờ giảm chi phí. Trước đây, cần 10 người làm giờ chỉ cần 2, trong khi, năng suất tăng gấp 8 lần.

“Xét thấy đây là công nghệ mới nên trung tâm hỗ trợ cho HTX thiết bị sấy năng lượng mặt trời. Khi sấy bằng năng lượng mặt trời sẽ đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhà tre. Thứ 2 tăng được năng suất. Như khi trời mưa thì mình vẫn tiến hành sản xuất được”, ông Tạ Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại Cà Mau – đơn vị hỗ trợ máy sấy đánh giá.

Nhờ ứng dụng công nghệ để không gừng nâng cao sản lượng, chất lượng cùng với tạo ra đa dạng các sản phẩm mà sản phẩm tôm khô của người dân huyện Ngọc Hiển ngày càng được ưa chuộng. Mỗi tháng những cơ sở trên địa bàn cung ứng ra thị trường sản lượng từ 20-30 tấn tôm khô biển và 2-3 tấn tôm sinh thái chất lượng cao. Sản phẩm “Tôm khô Rạch Gốc” ngày càng khẳng định được chất lượng.

“Đối với xây dựng thương hiệu tôm khô thì ban đầu cũng nhiều khó khăn lắm. Nhưng đến nay đã cải tiến quy trình sản xuất, quy mô sản xuất cũng như mở rộng thị trường thì đã rút kinh nghiệm, tiến bộ rất nhiều. Hiện trong mạng lưới các siêu thị trên toàn quốc cũng đã vào được các siêu thị lớn như: Saigon Co.op; VinaMax; Big C và một số công ty của Hà Nội”, ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển cho biết.

Từ một vài hộ làm truyền thống đến nay huyện Ngọc Hiển – cái nôi của tôm khô Cà Mau nổi tiếng gần xã đã có 15 cơ sở sản xuất tôm khô. Trong đó, có 5 cơ sở quy mô, đảm bảo cung ứng số lượng lớn theo hợp đồng đặt hàng. Cùng với sự quản lý chặt chẽ về quy trình, những người dân làm nghề truyền thống nơi đây luôn ý thức bảo vệ thương hiệu nên sản phẩm “Tôm khô Rạch Gốc” ngày càng được ghi nhận trên thị trường cả nước.

Trần Hiếu VOV