TIN THỦY SẢN

Tôm lên giá: Người nuôi bần thần, doanh nghiệp lao đao

Giá tôm chỉ tăng khi người nuôi hết tôm bán.

Vụ thu hoạch tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa kết thúc, người nuôi tôm bần thần khi nghe tin giá tôm bắt đầu tăng.

Sở dĩ tin tăng giá không thể làm người nuôi tôm vui vì họ đã bán hết tôm trong đầm. Giá tôm trồi sụt, lên xuống thất thường như trêu ngươi người nuôi. Không chỉ người nuôi gặp khó, các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu (XK) tôm cũng lao đao vì thiếu nguyên liệu, gặp khó khăn về thị trường đầu ra, báo hiệu một năm đầy khó khăn của ngành tôm.

Sau một thời gian sụt giảm, khoảng 3 tuần nay, giá tôm sú nguyên liệu bắt đầu đảo chiều, đột ngột tăng mạnh. Tại các đầm tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, giá tôm mấy ngày này đã tăng tới 135.000 đồng/kg loại 30kg/con, trong khi thời điểm cách đây 1 tháng chỉ có giá 112.000 đồng/kg.

Buồn vì… lên giá!

Người nuôi tôm năm nay điêu đứng vì tôm bị dịch bệnh, chết nhiều, năng suất thu hoạch thấp. Từ đầu vụ nuôi tôm đến nay, tỉnh Bạc Liêu có tới 50% diện tích tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh bị chết do dịch bệnh. Cà Mau cũng bị dịch bệnh hoành hành, từ đầu vụ tính đến thời điểm này có trên 13.000ha tôm nuôi bị bệnh và còn diễn biến phức tạp. Loại hình nuôi phổ biến ở Cà Mau là quảng canh. Phần lớn đầm tôm công nghiệp, bán công nghiệp bị bệnh chết, số còn lại cũng vừa thu hoạch xong, hiện đang cải tạo để nuôi nối vụ, canh thu hoạch cận và sau Tết Nguyên đán.

Hiện đang trong giai đoạn san vét, cải tạo ao đầm tập trung, người nuôi tôm hạn chế lấy nước và thu hoạch tôm, sợ nhiễm dịch bệnh qua nguồn nước sông ô nhiễm. Do vậy, lượng tôm thu hoạch trong dân thấp hơn nhiều so với 2 tháng trước đó.

Không chỉ thua lỗ vì dịch bệnh, hàng nghìn nông dân thất thần vì tiếc giá tôm tăng sau khi họ vừa vét ao bán hết hàng. Một người nuôi tôm cho biết vừa bán gần 6 tấn tôm sú với giá 112.000 đồng/kg, "Giờ nghe giá lên mà xót xa quá. Biết thế để chậm lại vài ngày thì đỡ mất hơn trăm triệu đồng rồi".

Theo Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến thời điểm đầu tháng 10, tôm sú cỡ 20 con/kg giá 210.000 đồng; cỡ 30 con/kg là 135.000 đồng; cỡ 40 con/kg là 120.000 đồng. Mức giá trên tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7/2012.

Tôm bất ngờ tăng giá không phải do giá tôm thế giới tăng mà do các nước nuôi tôm XK lớn cạnh tranh với Việt Nam (Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc...) đã hết hàng. Trong khi đó, nguồn tôm nội địa bị dịch bệnh kéo dài, hết vụ thu hoạch và đang tái vụ nuôi mới, nên nguồn hàng càng trở nên khan hiếm. Chính vì vậy, các DN không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải tăng giá thu mua tôm.

 Thời gian này, không chỉ những người nuôi tôm gặp khó khăn, mà ngay cả những DN chế biến, XK tôm cũng điêu đứng không kém. DN XK tôm Việt Nam tuy đã có thị phần tại hơn 90 thị trường trên thế giới nhưng vẫn chưa chủ động được giá cả. Hiện nay, các DN Việt Nam chỉ mới XK ra nước ngoài thông qua các nhà NK, nên giá không cao. Độ chênh lệnh giữa giá XK và giá bán tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng ở các nước NK có thể lên đến 10 lần. Điều này cho thấy giá trị XK tôm của Việt Nam chưa hợp lý trong chuỗi giá trị gia tăng. Các DN XK dường như đang làm gia công cho nước ngoài hơn là chiếm lĩnh thị trường.

Mặc dù đang phải thu mua tôm với giá cao, nhưng các nhà máy vẫn rơi vào trình trạng đói nguyên liệu. Chỉ tính riêng tại Cà Mau, 32 nhà máy chế biến, XK thủy sản, tổng công suất được thiết kế trên 190.000 tấn thành phẩm/năm. Để có lượng hàng thành phẩm trên cần 280.000 tấn tôm nguyên liệu. Trong khi đó, sản lượng tôm nguyên liệu năm 2011 của tỉnh chỉ khoảng 132.000 tấn, chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất cho các nhà máy chế biến.

Xuất khẩu đầy gian nan

Thời điểm hiện tại cho dù giá tôm có tăng, nhưng so với cùng kỳ năm 2011 vẫn thấp hơn từ 20.000 - 60.000đồng/kg, tùy kích cỡ. Tôm là sản phẩm chủ yếu dùng để XK, nên giá của tôm phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường tôm trên thế giới.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 9/2012, giá trị XK tôm của Việt Nam đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ cuối quý II, XK tôm đã bắt đầu xu hướng giảm sút: tháng 6/2012 giảm 4% so với tháng 6/2011, tháng 7 giảm 6,8% và tháng 8 tiếp tục giảm mạnh 21,6%. Nửa đầu tháng 9 vừa qua, XK tôm giảm 25,1% và dự báo mức giảm của cả tháng 9 sẽ cao hơn do ảnh hưởng của việc kiểm soát Ethoxyquin trong tôm XK sang Nhật Bản.

Tháng 7/2012, XK tôm sang Nhật Bản - thị trường XK tôm lớn nhất của Việt Nam, bắt đầu giảm, sang tháng 8 giảm mạnh 16,6% và nửa đầu tháng 9 giảm tới 23,5%! Việc Nhật Bản tăng cường kiểm soát dư lượng Ethoxyquin trong các sản phẩm tôm NK từ Việt Nam với mức dư lượng cho phép rất thấp 0,01 ppm là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Cũng trong thời điểm tháng 8/2012, XK tôm sang hầu hết thị trường trọng điểm như Mỹ, EU hay Hàn Quốc đã bắt đầu giảm. Nửa đầu tháng 9, XK tôm sang các thị trường này tiếp tục giảm sâu, trong đó XK sang Mỹ giảm gần 40%, sang EU giảm 31,5%, sang Hàn Quốc giảm 28,7%. Trung Quốc là thị trường duy nhất trong 5 thị trường XK tôm hàng đầu của Việt Nam (Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc) tăng trưởng dương trong tháng 8 vừa qua. Tháng 8/2012, XK tôm sang thị trường này đạt trên 22,5 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 8/2011.

Giá trị XK tôm sang 5 thị trường lớn nhất chiếm tới 80% tổng giá trị XK tôm. Tuy nhiên, XK tôm sang Nhật Bản đã giảm liên tục trong 3 tháng gần đây khiến cho XK tôm sang thị trường này tính đến giữa tháng 9 chỉ tăng 11,8%, trong khi mức tăng trưởng trung bình trong 6 tháng trước đạt trên 20%. XK sang Mỹ giảm tới 16,8%, sang EU giảm 25%. XK sang 2 thị trường còn lại là Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ tăng "khiêm tốn" từ 7 - 8%. Trong hơn 2 tháng qua, khi chịu tác động mạnh từ Ethoxyquin, kim ngạch XK tôm của Việt Nam chỉ đạt trung bình 200 triệu USD/tháng.

Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu "vấn đề" Ethoxyquin vẫn bế tắc như hiện nay và thị trường Nhật Bản không thể khai thông lại thì XK tôm Việt Nam sang nhiều thị trường khác sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng, và như vậy với 3 tháng còn lại của năm và với giá trị ước đạt trung bình 200 triệu USD/tháng như trong hơn 2 tháng qua, XK tôm năm nay khó đạt tới mục tiêu 2,4 tỷ USD.

thời báo Kinh Doanh