Tôm – lúa và mục tiêu xây dựng thương hiệu
Chủ trương phát triển “Lúa thơm – tôm sạch” cho mô hình tôm – lúa là mục tiêu mà toàn ngành nông nghiệp đang hướng tới nhằm tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế, như: sinh thái, hữu cơ, ASC… để tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong mô hình. Đây cũng là chủ đề chính của Diễn đàn Tôm Việt 2020 do Tổng cục Thủy sản tổ chức vào ngày 5-10 tại tỉnh Bạc Liêu.
Là người nhiều năm gắn bó, nghiên cứu mô hình tôm – lúa ở ĐBSCL, TS. Võ Nam Sơn – Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ nhận xét: “Năng suất của cả tôm lẫn lúa của mô hình hiện bình quân chỉ 300 - 500kg/ha tôm, còn cao nhất cũng chỉ 700kg/ha. Do đó, vấn đề hiện nay đặt ra đối với chúng ta là nên tập trung vào giải pháp tăng năng suất hay tăng giá trị cho con tôm và cây lúa trong mô hình thông qua việc sản xuất và đạt các chứng nhận quốc tế. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy một vấn đề nổi lên là dưới tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng sâu và cao nên diện tích tôm – lúa ở Cà Mau cũng đang dần bị đẩy lùi vào nội địa và để lại phía sau nó là mô hình quảng canh cải tiến. Vì vậy, cần có một cái nhìn mới về tính bền vững của mô hình tôm – lúa trong điều kiện này”.
Đại diện cho mô hình tôm – lúa của tỉnh Sóc Trăng, anh Mã Văn Hồng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông Ngư Hòa Đê (Mỹ Xuyên), khẳng định mô hình tôm – lúa có rất nhiều cái lợi, như: chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư sau vụ tôm sẽ là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa và ngược lại, cây lúa giúp xử lý chất thải hữu cơ dưới đáy ao, giảm các chất độc hại, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu. Việc luân canh tôm, lúa cũng tạo thời gian đủ lớn để cắt mầm bệnh cho cả con tôm lẫn cây lúa, hạn chế thấp nhất, thậm chí không cần sử dụng phân bón hay thuốc BVTV hóa học. Vì vậy, sản phẩm tôm, lúa của mô hình luôn an toàn nên bán được giá cao hơn. Đánh giá về hiệu quả mô hình tôm – lúa, anh Hồng khẳng định: “Sau 5 năm hợp tác thực hiện, đến giờ này có thể khẳng định đây là mô hình hiệu quả và có tính bền vững. Vì vậy, HTX đang nâng cấp mô hình theo hướng nâng cao giá trị bằng cách nuôi tôm theo chuẩn ASC còn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hy vọng trong thời gian tới, 2 sản phẩm chính của HTX sẽ đạt được chứng nhận và sản xuất ngày một hiệu quả hơn”.
Con tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chính trong mô hình tôm - lúa. Ảnh: TÍCH CHU
Đối với vấn đề phát triển bền vững cho mô hình tôm – lúa, theo Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, vùng tôm – lúa rất thuận lợi cho việc sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ, nhưng vấn đề là phải làm sao chủ động trong việc rửa mặn để đất không bị mặn hóa và cần có sự kết nối giữa các vùng để không chỉ đảm bảo về số lượng, chất lượng mà còn tạo được tính liên tục, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng xuất khẩu, tiến tới xây dựng thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý. Cung cấp thêm về những đặc tính của giống lúa ST24 và ST25, ông Cua cho biết: “Sở dĩ 2 giống trên đạt giải cao ở hội thi lúa gạo quốc tế là nhờ có những khác biệt có ý nghĩa, như: là giống lúa thơm ngắn ngày, có thể sản xuất nhiều vụ/năm; có hương thơm cốm đặc trưng; có các chỉ số sinh hóa hài hòa, cân đối, đặc biệt là độ bền thể gel cao. Cả 2 đều rất phù hợp với mô hình tôm – lúa nhờ là giống ngắn ngày (95 ngày), chịu mặn, cứng cây, kháng bệnh, năng suất cao và cuối cùng là dễ bán và bán có giá cao”.
Với kinh nghiệm nhiều năm thực hành nuôi tôm đạt chứng nhận hữu cơ, ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ: “Việc đạt chứng nhận tôm hữu cơ đối với mô hình tôm – lúa là hơi khó, vì chỉ với 2 tiêu chí đầu vào là con giống và thức ăn phải đạt chứng nhận hữu cơ thôi là chúng ta đã khó lòng đạt được. Do đó, trước mắt chỉ nên lấy cây lúa làm chứng nhận hữu cơ, còn con tôm làm các chứng nhận quốc tế khác, như: ASC, BAP… khi nào điều kiện thuận lợi mới nâng con tôm lên chứng nhận hữu cơ”. Ngoài ra theo ông Xuyên, muốn đạt chứng nhận hữu cơ hay bất kỳ chứng nhận quốc tế nào khác cho cả tôm và lúa, ngoài các điều kiện nêu trên cần hình thành vùng sản xuất lớn, tập trung và chuyên biệt mà ở đó, người dân cần được tập huấn cụ thể về các yêu cầu hết sức khắt khe của tổ chức chứng nhận.
Liên quan đến vấn đề liên kết, các tham luận đến từ các doanh nghiệp ngành tôm và lúa gạo, như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Việt – Úc, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú, DNTN Hồ Quang… đều khẳng định sẽ đồng hành cùng mô hình trong việc tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ hay các chứng nhận quốc tế khác nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả của mô hình tôm – lúa. TS. Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nêu rõ, vấn đề quan trọng là làm sao nhận diện được những thuận lợi, vướng mắc để từ đó có những giải pháp phù hợp, nhằm đưa mô hình tôm – lúa phát triển theo hướng “Lúa thơm – tôm sạch” gắn với liên kết sản xuất theo hướng chứng nhận hữu cơ – bền vững.Chúng ta đã có giống lúa ST đạt giải nhất thế giới rất phù hợp cho mô hình tôm – lúa; có một diện tích tôm – lúa toàn vùng hơn 200.000ha và có cả một đội ngũ doanh nghiệp, nhà khoa học rất tâm huyết, sẵn sàng đồng hành thì không có lý do gì để chần chừ không đẩy nhanh sự phát triển mô hình tôm – lúa với các sản phẩm mang tính đặc thù này. Nông dân đang chờ đợi, doanh nghiệp rất tâm huyết nên chúng ta có thể tự tin vào sự thành công của mô hình trong thời gian tới, nếu có quyết tâm và sự tập trung trong thực hiện.