TIN THỦY SẢN

Tôm sinh thái, ngành nông nghiệp chủ lực Cà Mau

Nuôi tôm sinh thái. Hình minh họa

Mô hình nuôi tôm sinh thái xuất hiện ở Cà Mau cách đây khoảng 10 năm nhằm tận dụng tiềm năng và lợi thế vốn có của địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản. Trong những năm qua, Cà Mau đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các dự án của các tổ chức quốc tế trong phát triển nuôi trồng thủy sản.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, định hướng đến năm 2020, tỉnh Cà Mau tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, kết hợp với nguồn ngân sách nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến phát triển 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh gồm: lúa chất lượng cao, tôm sinh thái, cua biển, keo lai và chuối.

Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực huy động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020.

Theo đó, Cà Mau đẩy mạnh các hình thức huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; xây dựng chương trình dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI…), tích cực tham gia các hoạt động đa phương, song phương nhằm thu hút các nguồn tài trợ từ các nước, tổ chức quốc tế...

Cà Mau chủ trương ưu tiên đầu tư đối với các dự án phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khu công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung; chú trọng đầu tư phát triển các công trình thủy lợi đa mục tiêu để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước cho dân sinh hoạt và sản xuất.

Cùng với đó là chú trọng đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phải gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội đồng nhằm tạo điều đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực từ các chương trình, dự án, nhà tài trợ, doanh nghiệp và sự góp phần quan trọng của nhân dân. Trong huy động nguồn lực từ doanh nghiệp cần gắn kết phát triển sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị tăng đối với các ngành hàng chủ lực được xem là thế mạnh của địa phương; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi để tạo khâu đột phá vừa tăng năng suất, sản lượng nhưng yếu tố bền vững phải luôn đặt lên hàng đầu, nhất là hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra trên đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Thời gian qua, Cà Mau huy động các nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Trong đó, phải kể đến thực hiện tái cơ cấu ngành hàng tôm đang được triển khai rất khẩn trương và thu hút được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều tổ chức phi Chính phủ như: Tổ chức Phát triển Hà Lan, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã thiên nhiên… Đây là cơ hội thuận lợi giúp tỉnh Cà Mau phát huy lợi thế tiềm năng của ngành hàng tôm, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của tỉnh.

TTXVN