TP. Bạc Liêu: Nông dân chuẩn bị vào vụ nuôi tôm mới
Tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, những ngày qua, người nuôi tôm trên địa bàn TP. Bạc Liêu tập trung cải tạo ao đầm, nạo vét kênh cấp thoát nước, chọn giống… để bắt đầu một vụ nuôi mới. Vụ tôm nuôi 2016, thành phố có gần 6.000ha tôm nuôi công nghiệp.
Hiện tại, nông dân các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) đã cải tạo ao đầm gần như hoàn tất để thả tôm giống. Anh Trương Văn Kết (ấp Giáp Nước, xã Vĩnh Trạch) chia sẻ: “Nhà tôi có 5 ao nuôi tôm công nghiệp, nhưng từ đầu vụ đến nay do thời tiết nắng nóng nên chỉ thả nuôi 1 ao với mật độ thưa. Mấy hôm nay, thấy thời tiết thuận lợi nên tôi cải tạo ao đầm để chuẩn bị xuống giống toàn bộ diện tích”. Theo Phòng Kinh tế thành phố, đến nay bà con đã thả tôm giống trên diện tích 1.938ha. Trong đó, tôm sú là 455ha, tôm thẻ 1.048ha, còn lại là các loài thủy sản khác. Năm nay, bà con cải tạo ao đầm và xuống giống chậm hơn so với cùng kỳ bởi ảnh hưởng của thời tiết.
Để giúp vụ tôm nuôi đạt hiệu quả, cùng với việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con, các ngành chức năng TP. Bạc Liêu đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm soát con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi trong đầu vụ năm nay còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu không nắm rõ các bước phòng và điều trị bệnh cho tôm cũng như xử lý môi trường ao nuôi thì người nuôi tôm sẽ phải chịu cảnh thiệt hại ngay từ đầu vụ.
Để tránh tình trạng trên, Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành hữu quan cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con xử lý ao đầm đúng quy trình kỹ thuật; nhắc nhở người dân đưa tôm giống đi kiểm dịch trước khi thả nuôi. Đồng thời mở các lớp tập huấn về quản lý con giống; đẩy mạnh công tác quản lý nuôi trồng thủy sản dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao ý thức người nuôi tôm trong việc bảo vệ lợi ích chung; tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng, song, người nuôi tôm trên địa bàn thành phố vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là giá cả các mặt hàng thức ăn, thuốc thú y thủy sản đều tăng, làm cho chi phí sản xuất tăng. Nhiều hộ do không có vốn nên phải đi vay hoặc phải chọn cách “ăn trước trả sau” với các đại lý kinh doanh thức ăn thủy sản (dù biết giá mua bị đội lên cao).
Anh Trần Văn Chính (ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông) thổ lộ: “Nếu không nuôi tôm, tôi cũng chẳng biết làm nghề gì khác để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Lúc trước giá thuốc thú y, thức ăn thủy sản chưa tăng thì người nuôi tôm còn lãi chút ít, có vốn đầu tư cho vụ sau. Song, bây giờ hầu như hộ nuôi tôm nào cũng phải ký sổ nợ với các đại lý. Đến kỳ thu hoạch thì chủ đại lý đến thanh toán nợ và người nuôi tôm không còn đồng nào. Cứ nghĩ đến là buồn!”.