TIN THỦY SẢN

TP. Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư phát triển nghề nuôi cá cảnh xuất khẩu

Nuôi và xuất khẩu cá cảnh góp phần phát triển nền nông nghiệp đô thị tại TP. Hồ Chí Minh Thanh Thanh

Hiện nay, ngành nuôi, kinh doanh và xuất khẩu cá cảnh tại TP. Hồ Chí Minh được xem là nghề có tốc độ tăng trưởng mạnh và ngành này cũng được thành phố chọn là lĩnh vực quan trọng để phát triển nền nông nghiệp đô thị.

Tăng xuất khẩu cá cảnh

Theo Chi cục Thủy sản TP. Hồ Chí Minh, năm 2018, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn thành phố đạt khoảng 89 ha với hơn 292 cơ sở, hộ nuôi, với 03 hình thức nuôi hồ kính, hồ xi măng và ao đất. Sản lượng cá cảnh sản xuất đạt 182 triệu con. Số lượng cá cảnh xuất khẩu đạt trên 20 triệu con, giá trị kim ngạch đạt gần 22,4 triệu USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Riêng 9 tháng/2019 đã sản xuất 158 triệu con cá cảnh, xuất khẩu hơn 16 triệu con, với giá trị kim ngạch hơn 18 triệu USD, tăng gần 5% so cùng kỳ 2018.

Hiện thành phố có trên 20 tổ chức, cá nhân xuất khẩu cá cảnh qua cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh. Các chủng loại cá cảnh đã xuất khẩu đến 46 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 55%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi.

Tuy đạt được mức tăng trưởng trong tăng trưởng và xuất khẩu cá cảnh tuy nhiên ngành nuôi và xuất khẩu cá cảnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của nền nông nghiệp đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều cơ sở, DN, các hộ nuôi cá cảnh vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Như ở huyện Củ Chi các hộ nuôi cá cảnh chủ yếu tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái, trang mạng xã hội, cá nhân và chỉ một số ít tiêu thụ qua hợp đồng với một số công ty, hợp tác xã sinh vật cảnh.

Chú trọng đầu tư phát triển

Để góp phần giải quyết khó khăn trên, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh đã tìm và thực hiện nhiều giải pháp xây dựng chuỗi liên kết, phát triển ngành cá cảnh để ngành này đóng góp tích cực và sự tăng trưởng phát triển nền nông nghiệp của thành phố.

Cụ thể thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ các hộ nông dân và DN nắm rõ chính sách thực hiện Chương trình Khuyến nông theo Nghị định 83/2018/NĐ- CP của Chính phủ ngày 25/4/2018 (với mức hỗ trợ 50% giống và 50% thức ăn). Từ đó, khuyến nông sẽ tập trung đầu tư những giống cá cảnh có nhu xuất khẩu lớn trên thị trường như cá đĩa, cá koi.

Các trạm khuyến nông từ các quận huyện phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Kinh tế các huyện có nghề nuôi các cảnh bám sát chính sách, chọn đúng đối tượng tham gia mô hình. Hộ tham gia mô hình phải là người có tay nghề cao, thực sự tâm huyết với nghề. Sau khi hộ tham gia mô hình, sản xuất được những con giống có chất lượng, sẽ cung cấp lại cho những hộ có khả năng ít hơn về vốn, kỹ thuật. Tiếp tục tạo ra cho thị trường nhiều chủng loại cá cảnh, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo ông Phạm Phú Cường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi vấn đề đầu ra cũng rất quan trọng. Vì thế các hộ, đơn vị sản xuất cá cảnh cần liên kết tạo thành các câu lạc bộ cá cảnh, các tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất nếu có vướng mắc, các hộ mạnh dạn liên hệ với cơ quan khuyến nông, cùng nhau giải quyết, nhằm tạo ra những dòng sản phẩm cá cảnh cao cấp phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị của thành phố.

Ngoài ra, thông qua các kỳ triển lãm cá cảnh, sinh vật cảnh hàng năm cũng đã giúp các hộ nông dân, cơ sở nuôi, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ sinh học có cơ hội giới thiệu các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học hỗ trợ việc nuôi, chăm sóc cá cảnh, tiếp cận các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các dòng cá cảnh chất lượng tốt, giúp sản xuất các giống cá cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là những giống cá có thế mạnh xuất khẩu- ông Phạm Thiết Hòa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Thanh Thanh báo công Thương