TP Hồ Chí Minh đối diện nguy cơ tái ngập
Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp giải quyết từ gốc, nguy cơ tái ngập trên diện rộng sẽ diễn ra tại TP.HCM và việc chống ngập cục bộ sẽ không mang lại hiệu quả.
Mưa là ngập
Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, các dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước đã phát huy tác dụng, công tác giảm ngập trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ đầu mùa mưa đến nay, thành phố chỉ xảy ra 9 trận mưa gây ngập, làm ngập 7 điểm, giảm 36,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 11 điểm ngập) và 3 điểm ngập do triều cường, giảm 25% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 4 điểm ngập).
Tuy nhiên, trên thực tế, dù chưa vào mùa cao điểm mưa bão, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn, nhiều khu vực trong thành phố đã lại “đường lại biến thành sông”. Bà Trần Thị Tám, một người dân sống trên Đường 3 tháng 2 (quận 11) than thở: “Năm nào vào mùa mưa chúng tôi cũng khốn khổ vì phải canh chừng, nếu không nước tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc. Thậm chí, tình trạng ngập lụt năm nay còn nặng hơn. Nếu như mấy năm trước, chỉ những cơn mưa rất lớn và kéo dài hàng giờ mới gây ngập, thì từ đầu năm đến nay, hễ cứ có cơn mưa hơi lớn là hầu như đường sá ở đây chìm trong nước".
Tương tự, từ đầu mùa mưa đến nay, chỉ cần một cơn mưa vừa là khu vực đường Hòa Bình (trước công viên văn hóa Đầm Sen - giáp ranh quận 11 và quận Tân Phú), khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình) đã bị ngập nặng.
Không chỉ khu vực phía Tây thành phố bị ngập, những điểm ngập “truyền thống” lâu nay tại quận Bình Thạnh, Thủ Đức... năm nay đều ngập khi có mưa vừa và mưa to. Đau lòng hơn, cơn mưa lớn chiều ngày 8/7 đã làm khu vực gần làng Đại học Thủ Đức ngập nặng, khiến 2 nữ sinh trên đường về ký túc xá bị nước cuốn trôi xuống suối Nhum, một em tử vong.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện 75% các khu vực bị ngập do khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước mưa chỉ đáp ứng được lượng mưa 80 mm. Trong khi đó, các trận mưa có tổng lượng trên 85 mm xuất hiện thường xuyên và có xu hướng tăng dần; tức là vượt hơn tần suất tính toán trong thiết kế hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, một số dự án như dự án cải tạo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang triển khai chậm, khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, dẫn đến việc ngập khi có mưa lớn ở các địa bàn quận 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình.
Tăng đầu tư chống ngập
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố), cho rằng, công việc cấp bách hiện nay để giải quyết tình trạng ngập nước là phải đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát nước cũ, xây dựng và đấu nối đồng bộ các tuyến cống mới, triển khai nạo vét kênh rạch. Đồng thời, việc hoàn thành hệ thống cống kiểm soát ngăn triều chống ngập khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cống thoát nước Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh) cùng với cống ngăn triều Bình Triệu sẽ giảm tình trạng ngập úng do mưa hay triều cường trên quy mô 7 quận nội thành: quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã tạm ứng hơn 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thực hiện các dự án chống ngập nước trong năm nay. Số tiền này sẽ được dùng để cải tạo hệ thống thoát nước ở đường Trang Tử, đường Trần Hưng Đạo, đường Dương Tử Giang (quận 5), đường Phạm Đình Hổ, đường Tân Hòa Đông (quận 6); đường 3 tháng 2 (quận 11). Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã tạm ứng 30 tỷ đồng cho quận Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng kè chống ngập úng, sạt lở ven sông Sài Gòn (khu phố 8, phường Linh Đông, quận Thủ Đức).
UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung 2 dự án chống ngập vào Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu để được ưu tiên bố trí vốn, gồm dự án cống kiểm soát triều Vàm Thuật và cống kiểm soát triều rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư khoảng 813 tỷ đồng.
Với những nỗ lực này, hy vọng tình trạng ngập úng tại TP Hồ Chí Minh sẽ được giải quyết trong thời gian tới, tạo điều kiện cho người dân đảm bảo cuộc sống.
Mặc dù hiện nay vùng trung tâm TP Hồ Chí Minh không còn xuất hiện các điểm ngập, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại sẽ tái ngập khi có mưa to cùng với triều cường dâng cao. Theo đó, nếu tình trạng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài nhiều giờ xảy ra cùng lúc đỉnh triều cường vượt mức báo động III sẽ gây ngập nặng ở nhiều khu vực, nhất là các khu vực có địa hình thấp hơn đỉnh triều.