TIN THỦY SẢN

Trả lại hệ sinh thái nước lợ cho phá Hạc Hải

Phá đập Mỹ Trung, nguồn lợi thủy sản trên phá Hạc Hải sẽ khôi phục. (trong ảnh, người dân đánh bắt hải sản trên phá Hạc Hải). Ảnh: Phan Phương Phan Phương

Nhằm đảm bảo lương thực cho dân, trước đây tỉnh Quảng Bình đã xây đập ngăn mặn Mỹ Trung, ngọt hóa phá Hạc Hải để trồng lúa. Đến nay, nhiều người mong muốn phá đập Mỹ Trung để trả lại cho phá Hạc Hải hệ sinh thái nước lợ như vốn có…

Gần 400 tỷ đồng cho sinh thái Hạc Hải

Hạc Hải trước đây là một vùng đầm phá nước lợ rộng trên 12km2, nằm ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Sau hơn 30 năm tồn tại, đập thủy lợi Mỹ Trung đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, đó là đảm bảo nguồn an ninh lương thực cho Quảng Bình trong một thời gian dài gian khó. Tuy nhiên, sự tồn tại của con đập cũng làm mất dần nguồn cá tôm và chim trời dồi dào.

Và khi lương thực không còn là vấn đề thiết yếu, nhiều người lại ước “bao giờ Hạc Hải trở lại ngày xưa?”. Và năm 2008, dự án xây dựng hệ thống đê thượng Mỹ Trung đã được đầu tư để ngăn mặn, chỉ làm lúa ở vùng trong đê, không phát triển lúa ở vùng ngoài đê nhằm trả lại cho phá Hạc Hải hệ sinh thái nước lợ.

Ông Nguyễn Viết Xuân – Giám đốc Công ty MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (đơn vị quản lý dự án)  cho biết: “Dự án đê thượng Mỹ Trung dài 80km, xây dựng đến năm 2013 thì hoàn thành với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, góp phần bảo vệ diện tích lúa trong đê. Tuy nhiên, đến nay do chính quyền và người dân một số địa phương có diện tích lúa ngoài đê khá lớn chưa thống nhất ý kiến nên UBND tỉnh Quảng Bình chưa mở đập Mỹ Trung cho nước mặn vào nên hệ sinh thái nước lợ ở phá Hạc Hải chưa được khôi phục”.

Cân nhắc thiệt hơn

Ông Phan Văn Khoa – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, nếu mở đập ngăn mặn Mỹ Trung sẽ có khoảng 800ha lúa ở ngoài đê bị mất đi. Tuy nhiên, bản thân ông rất ủng hộ việc mở đập Mỹ Trung. “Việc mở đập Mỹ Trung sẽ giúp nông dân trong vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng và đánh bắt hải sản trên phá Hạc Hải, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn…” - ông Khoa nói. Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Huân  - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh cho rằng: "Những năm gần đây nguồn lợi thủy sản trên phá ngày càng cạn kiệt. Nếu mở đập Mỹ Trung, sản lượng cá tôm sẽ dồi dào trở lại, mỗi đêm người dân chỉ cần đánh bắt khoảng chục ký tôm đất thì đã thu lời hơn nhiều so với làm mấy sào lúa ngoài phá".

Trong khi đó, nông dân Nguyễn Xuân Sang (xã Hồng Thủy) và nhiều người có ruộng ngoài bờ phá thì băn khoăn: "Tuy trồng lúa không lãi lời bao nhiêu nhưng để khai hoang ruộng ngoài phá, chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức, tiền của. Nếu phá đập Mỹ Trung, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, tập huấn để chúng tôi chuyển sang nuôi trồng thủy sản, tui sẽ trả đất ruộng ngay".

Ông Nguyễn Văn Thế - Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) bày tỏ: "Con em xã Vạn Ninh vốn rất giỏi nuôi cá và tôm nước lợ. Hiện xã có gần 500 lao động có kỹ thuật đang bỏ vào các tỉnh phía Nam làm thuê cho các trại nuôi tôm, cá. Nếu môi trường phá Hạc Hải được phục hồi, xã sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa ngoài phá (hơn 200ha) sang nuôi trồng thủy sản”.

Trước các ý kiến khác nhau, một số chuyên gia cho rằng, UBND tỉnh Quảng Bình nên sớm có một cuộc hội thảo, cân nhắc thiệt hơn để mở đập Mỹ Trung, trả lại môi trường sinh thái nước lợ cho phá Hạc Hải.

  Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần nhắc lãnh đạo Quảng Bình cần phá bỏ đập Mỹ Trung để trả lại hệ sinh thái cho phá Hạc Hải. Lãnh đạo 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy khẳng định, việc phá bỏ đập Mỹ Trung không ảnh hưởng đến vựa lúa của 2 huyện, bởi hiện hệ thống đê điều quanh phá đã được kiên cố, có khả năng ngăn mặn giữ ngọt.

Phan Phương Báo Dân Việt, 16/01/2016