TIN THỦY SẢN

Trại tôm siêu thâm canh ở xứ Đất Mũi: Nuôi 102 ngày là thu hoạch

Gia đình ông Tổng thu về tổng lơi nhuận khoảng 60% (Ảnh: Chúc Ly).

Chỉ một thời gian ngắn xuất hiện, nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh đã nhanh chóng mang lại hiệu quả tích cực. Bằng việc tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật nuôi, nông dân nuôi tôm ở Cà Mau đã thành công với hình thức này, cho thu nhập vượt trội.

Theo nông dân Trần Văn Tổng (ngụ xã Hoà Tân, TP.Cà Mau), so với nuôi hầm đất, mô hình này nuôi con thẻ có thời gian ngắn, rút ngày. Thêm nữa, tôm thẻ nằm trên bạt nên nước không bị đục, nước không bị quậy lên bùn như khi nuôi hầm đất. Vì thực tế là nếu nuôi con tôm thẻ mà nước ao bị quậy đục thì không có cách nào nuôi thành công được.

Tôm thẻ 102 ngày nuôi vừa mới được thu hoạch (Ảnh: Chúc Ly).

Cũng theo ông Tổng, kỹ thuật để làm ao nuôi theo hình thức trải bạc thì khó chứ không dễ, tuy nhiên nhờ có kỹ sư bên công ty hỗ trợ nên ông làm rất thành công. Việc xử lý nguồn nước và kỹ thuật chăm sóc, cho tôm ăn phải đúng quy trình thì mới thành công.

 Hệ thống ao lắng của ông Tổng (Ảnh: Chúc Ly).

“Diện tích ao lắng phải rộng, phải có diện tích để làm nhiều ao lắng, sau đó phải qua ao sẵn sàng, sau đó xử lý nước cho tốt rồi mới dám châm vào ao nuôi. Tổng diện tích các ao nuôi của tôi là khoảng 16.000m2, trong đó diện tích nuôi là 2.400m2” - ông Tổng chia sẻ.

Tổng chi phí đầu tư cho mô hình của ông Tổng khoảng 800 triệu đồng (Ảnh: Chúc Ly).

Được biết, đến ngày thu hoạch tôm thẻ của ông Tổng có thời gian nuôi 102 ngày, vào khoảng 30 con/kg. Do điều kiện mùa vụ ngay mùa nước ngọt nên con tôm hơi chậm phát triển so với thông thường, tuy nhiên kích cỡ này vẫn nằm ở mức chuẩn. Khi vào mùa nắng, điều kiện nuôi tốt hơn con tôm có thể đạt khoảng 90-95 ngày đã về khoảng 30 con/kg, còn tùy thuộc vào mật độ. Với năng suất này, ông Tổng có thể lãi khoảng 60%.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, so với cuối năm 2016, diện tích nuôi tôm công nghiệp giảm, tuy nhiên diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng khá nhanh, hiện tại đã có 570 hộ nuôi, với khoảng 680ha; năng suất thu hoạch khoảng 20 - 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công trên 85%.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hình thức nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi người nuôi phải có trình độ kỹ thuật cao, lượng điện tiêu thụ nhiều, chi phí đầu tư ban đầu lớn… Thế nhưng, tín hiệu đáng mừng là hiện nay đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân để chia sẻ công nghệ nuôi tôm.

Nhằm hạn chế việc mô hình phát triển theo hướng manh mún, khó kiểm soát trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, làm lãng phí đầu tư hạ tầng, để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn…Hiện tỉnh Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng ngoài vùng quy hoạch, đồng thời, buộc các hộ không đủ điều kiện nhưng vẫn thả nuôi chấm dứt ngay việc thả nuôi.

Báo Dân Việt