Trăm tấn cá lồng sông Đà sặc nước chết: Lỗi tại dân?
Theo người đại diện thủy điện Hòa Bình, trước khi xả lũ, thủy điện đã báo trước 1 tuần nhưng do người dân chủ quan nên cá mới chết nhiều như vậy.
Xung quanh thông tin hàng trăm tấn cá lồng ở sông Đà chết do thủy điện xả lũ, chiều ngày 23/7, trao đổi với báo Đất Việt, 1 đại diện của công ty thủy điện Hòa Bình xác nhận sự việc.
Theo người đại diện này, trước khi thủy điện xả lũ đã báo trước 1 tuần nhưng do người dân chủ quan, không có các bước chuẩn bị giúp cá lồng tránh được những nguy cơ này.
"Người nuôi cá phải chuẩn bị máy sục thì cá mới không bị chết khi thủy điện xả nước. Trong đợt xả lũ vừa qua, ở phần hạ lưu bị ảnh hưởng nhiều hơn phần thượng lưu.
Việc cá lồng chết hàng loạt còn do các cửa xả nhanh, xả nhiều nên người dân không chủ động được", người đại diện cho biết.
Cũng theo người đại diện thủy điện Hòa Bình, việc thủy điện xả lũ như này mấy năm mới có 1 lần, lần gần đây nhất vào năm 2013.
Về việc này, trước đó, ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình) cho biết, đến 14h ngày 21/7, huyện Kỳ Sơn thiệt hại hơn 35 tấn, thành phố Hòa Bình 16 tấn cá lồng nuôi trên sông Đà. Trong đó có nhiều loại cá đặc sản, như: chiên, lăng, cá trắm đen...
"Chi cục đã lấy mẫu nước phân tích tìm nguyên nhân. Nhận định ban đầu cá bị sặc nước do hồ Hòa Bình xả lũ, dòng chảy sông Đà quá mạnh", ông Son thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, toàn tỉnh Phú Thọ có 444 lồng cá của các hộ dân nuôi trên lưu vực sông Đà.
Tính đến 11h trưa ngày 21/7, tại 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ đã có 160 lồng cá nuôi bị thiệt hại, trong đó có 93 lồng có số lượng cá chết trên 70%, 67 lồng có số cá chết từ 30-70%. Tổng số lượng cá chết khoảng 240 tấn, ước tính thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng.
"Hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ làm cho nước sông Đà dâng cao, lưu tốc dòng nước lớn. Bên cạnh đó, khi hồ này xả lũ sẽ xuất hiện lượng bùn cát rất lớn, chính vì vậy đã làm cho cá nuôi lồng trên lưu vực sông Đà bị sốc môi trường dẫn đến chết ngạt" - ông Tùng nhận định.
Để đưa các hồ Sơn La, Hòa Bình về mực nước cho phép trong thời kỳ lũ chính vụ, đảm bảo dung tích phòng lũ cho hạ du, từ ngày 18/7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu Công ty thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả lũ, hồ Sơn La mở một cửa.