TIN THỦY SẢN

Tranh chấp nguồn cá thổi bùng xung đột Biển Đông

Nguồn cá là yếu tố có khả năng thổi bùng xung đột trên Biển Đông hơn là dầu khí. Bạch Dương

Trữ lượng dầu khí ở Biển Đông đôi khi bị thổi phồng quá mức, trong khi tranh chấp nguồn cá mới là yếu tố dễ làm bùng xung đột trong khu vực.

Theo Asia Times, người ta không thể phủ nhận tiềm năng dầu khí ở Biển Đông là một trong những yếu tố làm gia tăng căng thẳng giữa các nước ven biểnvà thậm chí còn liên quan đến một số cường quốc ngoài khu vực.

Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, chính nguồn thủy hải sản chứ không phải nhiên liệu hóa thạch, mới là yếu tố nhiều khả năng kích hoạt một cuộc chiến tranh ở Biển Đông.
Nói một cách đơn giản, những suy đoán rằng, Biển Đông trở thành “một Vịnh Ba Tư thứ 2” là thiếu cơ sở.

Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu khí ở Biển Đông chỉ vào khoảng hơn 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên, tương đương với Châu Âu. Hầu hết trữ lượng dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khí đốt trên Biển Đông nằm trong các vùng lãnh thổ không tranh chấp, gần bờ của các quốc gia ven biển.

Tuy nhiên, trong khi giá trị của các nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông vẫn là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận, giá trị tiềm năng của các nguồn thủy sản và nuôi trồng thủy sản trong khu vực lại chưa được đánh giá đúng mức.

Hiện nay, nguồn thủy hải sản dồi dào và phong phú được đánh bắt trên Biển Đông chiếm 1/10 tổng sản lượng đánh bắt toàn cầu. Nó duy trì và phát triển ngành công nghiệp đánh bắt nhiều tỷ USD. 

Thói quen mê hải sản của người Châu Á sẽ thúc đẩy các hoạt động đánh bắt thủy hải sản ngày càng mạnh mẽ. (Theo ước tính, trung bình nguồn protein thủy hải sản chiếm hơn 22% trong bữa ăn của người Châu Á).

Chính trị hóa hoạt động ngư nghiệp

Ban đầu, hoạt động đánh bắt cá trên khắp Biển Đông hoàn toàn không phải là một mối bận tâm về mặt địa chính trị. Trong nhiều thập kỷ, các ngư dân đã đánh bắt mà không quan tâm đến các đường biên giới trên biển và luật hàng hải quốc tế. Điều này phần nào cũng xuất phát từ sự thiếu quan tâm của chính phủ các quốc gia ven biển đối với vấn đề này.


Đội tàu cá Trung Quốc ùn ùn kéo ra Biển Đông.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi bắt nguồn từ sự suy giảm mạnh của nguồn thủy hải sản trong các khu vực ven biển. Ngư dân buộc phải lũ lượt ra khơi, đánh bắt xa bờ. Việc tiến sát hoặc xâm nhập vào các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông là chuyện khó tránh, thậm chí diễn ra thường xuyên.

Kết quả là, về mặt chính trị, các hoạt động đánh bắt thủy hải sản trở thành vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm đối với các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Sự leo thang của tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông ngày càng căng thẳng khiến hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân trong khu vực đối mặt với nhiều mối đe dọa và rủi ro.

Sau nhiều năm phải tự lực lo việc kiếm cá, ngay nay ngư dân trong khu vực bắt đầu nhận được sự hỗ trợ ngày càng tăng từ chính phủ. Xuất phát từ thực tế trên mà vận động hành lang nghề cá hình thành và bắt đầu nổi lên mạnh mẽ ở một số quốc gia nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ càng lớn càng lớn từ chính phủ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, tới những vùng biển xung quanh lãnh hải tranh chấp.

Nhưng cũng từ đây, ngư dân dần trở thành tai mắt đồng thời cũng là lính xung kích trong tranh chấp biển đảo. Minh chứng điển hình nhất cho nhận định này là mối quan hệ hợp tác và hỗ trợ ngày càng chặt chẽ, mật thiết giữa ngư dân và các cơ quan hàng hải Trung Quốc.

Chẳng hạn, tháng 4/2012, ngư dân Trung Quốc xâm nhập vào bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát, có nguy cơ bị bắt giữ vì tội đánh bắt bất hợp pháp, cơ quan hải giám nước này đã lập tức vào cuộc, điều đội tàu công vụ đến bảo vệ và hỗ trợ ngư dân. Sau đó, đội tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục “án ngữ” trong khu vực để bảo vệ ngư dân yên tâm đánh bắt trái phép, thậm chí cả các sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng.

Trung Quốc cũng trăng cường đáng kể hoạt động tuần tra Biển Đông trong thập kỷ qua - từ 477 đợt năm 2005 lên tới 1.235 đợt trong năm 2009, tác động tiêu cực đến an ninh của các ngành công nghiệp đánh bắt cá của các quốc gia khác trong khu vực.

Chưa hết, các dự án xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân tránh bão trên biển cũng bị nhuốm màu chính trị và trở thành vỏ bọc của các căn cứ quân sự hoặc có thể được sử dụng với mục đích kép.

Một ví dụ điển hình cho lập luận trên là sự kiện Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1995. Ngay sau đó, một loạt các báo cáo cáo buộc Trung Quốc xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân tại đây. Tuy nhiên, đến năm 1998, Bắc Kinh đã biến khu vực này trở thành một đơn vị quân sự đồn trú.

Các ngư dân nước ngoài lén lút đánh bắt trong các khu vực tranh chấp hoặc các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của một quốc gia sẽ xâm hại lợi ích của ngư dân nước đó. Do đó, chính phủ mỗi nước buộc phải thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn hơn trong việc bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia.

Kết quả là, các bên tranh chấp nỗ lực và cạnh tranh với nhau để củng cố và tăng cường các lực lượng hải quân, cảnh sát biển nhằm tìm kiếm khả năng bảo vệ cao nhất quyền và lợi ích hàng hải của họ.

Trong thập kỷ tới, Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục triển khai thêm hàng loạt tàu chiến, máy bay để phục vụ cho mục đích trên của họ ở Biển Đông. Chính điều này sẽ làm trầm trọng và gia tăng căng thẳng về chủ quyền hàng hải giữa các quốc gia trong khu vực, đe dọa gây bất ổn trên Biển Đông.

Bạch Dương Asia Times/Kiến thức