Tránh rủi ro cho con tôm
Được coi là nước có thế mạnh về thủy sản nhất là con tôm nhưng lâu nay chúng ta chưa có được một cơ sở sản xuất tôm giống nào theo chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Để hạn chế bất cập này và hạn chế rủi ro cho tôm xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch đến năm 2017 sẽ có doanh nghiệp sản xuất tôm giống theo tiêu chuẩn OIE.
Theo tính toán, hiện nay tôm Việt đang đứng trước những lợi thế nhất là về thị trường. Nhu cầu về tiêu thụ tôm trên thế giới ngày một lớn nên con tôm của chúng ta đang hướng ra một thị trường lớn, có đến 7 tỷ người ăn. Nói về lợi thế ngành tôm, riêng trong khối ASEAN, nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang có trong tay một thị trường có tới 600 triệu dân.
Vì vậy, việc nuôi trồng tôm bây giờ của chúng ta không chỉ phục vụ cho 90 triệu dân trong nước mà còn cho cả 600 triệu người. Việt Nam đã tham gia tới 15 hiệp định thương mại tự do.
Để đón định và đưa con tôm ra thị trường lớn thì vấn đề chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE là hết sức quan trọng. Tuân thủ theo OIE không những nâng cao vị thế chất lượng tầm tôm Việt mà còn tránh được rủi, kể cả phải trả về như một số mặt hàng khác.
Theo đó, kế hoạch sẽ phấn đấu xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất theo OIE và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.
Ngoài việc nghiên cứu, tổng hợp, phổ biến thì còn là hướng dẫn các doanh nghiệp nuôi tôm về các quy định của OIE và các nước.
Theo kế hoạch, phấn đấu kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.
Cũng theo kế hoạch này, phấn đấu trong năm 2017, có ít nhất 1 doanh nghiệp là cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước.
Để thực hiện Kế hoạch, Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thú y xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh quốc gia.
Đồng thời tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương và các cơ sở nuôi tôm thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh, nhằm bảo đảm các yêu cầu để cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh được chứng nhận theo tiêu chuẩn của OIE và Thông tư số 14.
Báo cáo của các địa phương, tính đến thời gian này, diện tích tôm sú của cả nước ước đạt 582.700ha, tăng 0,6% so vời cùng kỳ, sản lượng ước đạt 174.400 tấn. Trong số đó, diện tích tôm sú tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 562.501ha (tăng 1,3%), sản lượng ước đạt 169.012 tấn (giảm 4,7%).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu tôm nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và giá tôm thế giới có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn cung thế giới sụt giảm.