Tránh thương tích do cá cắn
Thời gian qua cá mập xuất hiện ở một số nơi, thậm chí tấn công gây thương tích cho người.
Mới nhất là trường hợp cá mập vừa bị bắt ở vùng gần bờ biển TP Quy Nhơn ngày 25-5.
Theo TS Võ Văn Quang - trưởng Phòng động vật có xương sống của Viện Hải dương học (tại Nha Trang), qua thống kê trên thế giới những trường hợp bị thương tích do cá gây ra cho con người chủ yếu là loài cá mập, cá nhám.
Về vết thương do cá mập gây ra, theo TS Quang: “Thường là dạng thương tích cơ học chứ ít có những nguy cơ do độc tố. Bởi cá mập là loài thường xuyên thay răng, không có độc tố giống loài rắn và một số loài khác. Tuy nhiên, các vết thương do cá cắn vẫn có thể dẫn đến hoại tử bởi các vi khuẩn bám trong răng cá từ thức ăn mà con cá ấy đã ăn gây ra, nếu không được xử lý đúng cách”. Còn tùy theo độ lớn của cá và các trường hợp tấn công cụ thể mà có thể gây ra mức độ thương tích khác nhau cho nạn nhân (như gãy xương tay, chân, sườn hoặc các vết thương hở phần mềm...).
Các trường hợp dễ gặp và có thể bị cá mập, cá nhám gây ra thương tích trên biển là đối với các ngư dân đánh bắt, câu cá ngừ đại dương. Bởi các loại mồi ngư dân dùng để câu cá ngừ cũng là loại hợp khẩu vị với cá mập, cá nhám. Khi kéo cá lên, nếu gặp cá mập, cá nhám còn sống mà không có kinh nghiệm xử lý thì dễ bị cá phản ứng, táp phải gây thương tích - theo TS Quang.
Một trường hợp khác dễ bị các loài cá vừa nêu đeo bám, tấn công là đối với những thợ lặn săn cá dưới biển. Người săn được cá thường mang giữ những con cá săn được bên mình trước khi lên khỏi mặt nước. Trong khi đó, cá mập là loài đánh hơi giỏi, khi phát hiện thợ lặn mang theo những con cá đã săn được thì nó thường bám theo để táp những mồi cá mang theo bên người thợ săn và gây thương tích.
Để tránh những trường hợp có thể gây thương tích kể trên, theo ông Nguyễn Ngọc Danh (ngư dân 56 tuổi, ở xóm Cồn, TP Nha Trang), thường khi gặp cá mập, cá nhám mắc câu, dính lưới, lúc kéo lên gần thành tàu hầu hết ngư dân đều có kinh nghiệm là đập cho con cá ngất ngư hoặc chết rồi mới đưa hẳn lên tàu. Một kinh nghiệm khác, theo TS Quang, là cá mập, cá nhám hay “kỵ” với loài rắn biển. Do vậy, đối với những thợ săn mặc đồ lặn có hình kẻ sọc trông giống loài rắn biển cũng làm cho cá mập, cá nhám gặp phải sẽ tránh đi...
Tuy nhiên, không phải cá nào thuộc loài cá mập, cá nhám cũng hung hăng, có thể chủ động tấn công gây thương tích cho con người. PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - viện trưởng Viện Hải dương học - cho biết: “Trên các đại dương thế giới có hàng trăm loài cá nhám hoặc cá mập, trong đó chỉ vài ba loài chủ động tấn công người ở một số khu vực địa lý nhất định. Một số ít loài khác có thể gây nguy hiểm cho con người do nhầm con người với mồi của chúng hoặc bị khiêu khích”.