TIN THỦY SẢN

"Treo đầm" chờ giá

Ông Nguyễn Văn Xích kỳ vọng vụ nuôi tôm công nghiệp thành công. Huỳnh Việt

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cái Nước có gần 2.000 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, nhưng đến thời điểm này, bà con nông dân chỉ mới thả nuôi chưa đến 1.000 ha, số còn lại đang treo đầm hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác để tránh thiệt hại do giá tôm nguyên liệu trên thị trường bấp bênh.

Trước đây, giá tôm nguyên liệu trên thị trường ổn định ở mức cao, người nuôi có lãi, phong trào nuôi tôm công nghiệp ở huyện Cái Nước diễn ra hết sức sôi nổi, đi đến đâu cũng nghe bà con nông dân bàn tính đến chuyện thuê cơ giới đào ao đầm để mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp. Nhưng từ nhiều tháng qua, giá tôm nguyên liệu trên thị trường không ổn định, dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên diễn ra, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ phải treo đầm chờ khi nào giá tôm tăng trở lại mới tiến hành thả nuôi, hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác để tránh rủi ro, thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Huệ, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, là một trong những hộ dân có thâm niên trong nghề nuôi tôm công nghiệp, than thở, kể từ năm 2015 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên thị trường hết sức bấp bênh, thẻ chân trắng có khi giảm xuống thấp, chỉ còn 70.000 đồng/kg loại 100 con/kg, có lúc tăng lên 100.000 đồng/kg, người nuôi tôm có lãi nhưng không nhiều, ngược lại tỷ lệ rủi ro, thiệt hại là rất lớn và ông đã từng bị thua lỗ vì nuôi tôm công nghiệp. Vì vậy, hiện nay ông Huệ đã chuyển ao nuôi tôm công nghiệp thành ao cá nước lợ, kết hợp với trồng rau màu để tránh rủi ro, thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Xích, ấp Lợi Đông, xã Hoà Mỹ có sáu ao đầm nuôi tôm công nghiệp với diện tích hơn 1 ha. Ông lo ngại, bây giờ nuôi tôm công nghiệp khó khăn hơn trước rất nhiều, ngoài giá tôm không ổn định, môi trường nước còn bị ô nhiễm làm cho chi phí xử lý ao đầm tăng cao, nhiều tháng qua phải tạm ngưng thả nuôi để chờ giá. Nay thời vụ nuôi tôm công nghiệp đã đến, nhưng giá tôm thẻ chân trắng chỉ có 90.000 đồng loại 100 con/kg. Trừ các khoản chi phí cải tạo ao đầm, hoá chất xử lý và tiền thức ăn, người nuôi chỉ có lãi khoảng 10.000 đồng/kg tôm nguyên liệu sau hơn hai tháng thả nuôi. Tuy có lo nhưng ông Xích vẫn quyết định thả nuôi hết diện tích, hy vọng trong thời gian tới giá tôm nguyên liệu sẽ tăng.

Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, trong thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con nuôi tôm công nghiệp, chủ yếu tập trung giải pháp phòng bệnh cho tôm nuôi để giúp bà con nông dân hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh. Để nuôi tôm công nghiệp có lãi trong điều kiện khó khăn như hiện nay, trước tiên bà con nông dân phải tiết tiệm chi phí sản xuất bằng giải pháp thả nuôi thưa hợp lý, không nên thả nuôi mật độ cao như trước đây.

Bởi cái lợi của mô hình nuôi tôm công nghiệp thả thưa sẽ giúp bà con nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí sản xuất rất lớn như: tiết kiện được tiền đầu tư mua con giống, môi trường nước trong ao đầm nuôi tôm ổn định, dịch bệnh trên tôm nuôi ít xảy ra, hạn chế được chi phí tiền mua hoá chất xử lý nguồn nước trong ao đầm và thuốc phòng bệnh. Thời gian nuôi ngắn hơn, tôm đạt trọng lượng lớn, bán được giá hơn so với tôm nhỏ và sẽ có lãi cao.

Hy vọng những khuyến cáo của ngành chuyên môn giúp người nuôi tôm công nghiệp áp dụng thành công để duy trì và phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, hạn chế tình trạng treo đầm chờ giá như hiện nay.

Huỳnh Việt Báo Cà Mau