Khuyến cáo bảo vệ các lĩnh vực thủy sản khi có bão
Từ tháng 10-12/2024, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, có khả năng xuất hiện bão trên biển Đông xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình hàng năm (4,5 cơn bão) và đổ bộ vào đất liền cao hơn trung bình hàng năm (1,9 cơn bão), tập trung ở Trung Bộ và phía Nam. Mùa mưa ở Nam Bộ có thể đến nửa cuối tháng 12/2024 mới kết thúc, muộn hơn bình thường. Bão gây mưa to, sóng biển cao ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng, khai thác thủy sản và chuyên gia khuyến cáo một số biện pháp bảo vệ.
Với ao (đầm) nuôi tôm, cá
Trước khi bão đổ bộ
Cần thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Thường xuyên kiểm tra và gia cố bờ ao chắc chắn, có khả năng chống chịu khi mưa bão lớn. Phát quang cành, cây quanh bờ, tránh bão làm cành, cây, lá vào ao gây ô nhiễm.
Đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa kéo dài và khi mực nước trong ao quá lớn. Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, vật liệu (lưới, đăng chắn, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh) để chủ động gia cố hệ thống bờ, cống khi có tình huống xấu xảy ra.
Vùng nuôi tôm, cá cần được nạo vét kênh rạch, tu sửa bờ mương cho thông thoáng, sâu chắc để có nguồn nước tốt, an toàn sản xuất. Đặc biệt chú ý giữ lại nguồn nước tốt và qua lắng lọc cho nuôi tôm công nghiệp; quản lý, bảo vệ nguồn chất thải và môi trường vùng nuôi, không để ô nhiễm nước từ vùng nuôi tôm công nghiệp lan đến các vùng khác.
Đặt lưới chắn xung quanh bờ (độ cao 40-50 cm, ghim sâu 20-30 cm dưới mặt đất) nhằm giảm thất thoát gây thiệt hại sản xuất khi mưa lũ kéo dài. Có kế hoạch sơ tán người lao động về nơi trú ẩn an toàn, để không thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.
Khắc phục hậu quả sau bão
Xả nước tầng mặt để giảm nước mưa trong ao; chạy quạt nước, sục khí để hạn chế sự phân tầng nước đối với ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Nếu mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột, cần rải vôi quanh bờ ao (khoảng 10kg/100m2) kết hợp bón vôi cho ao để ổn định độ pH nước và làm giảm độ đục nước ao. Cụ thể bón vôi cho ao nuôi thủy sản nước ngọt 0,7-1kg/100m3 nước; ao nuôi thủy sản nước lợ 2-3kg/100m3 nước.
Bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Tăng cường chăm sóc, quản lý ao, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Với lồng (bè) nuôi trồng thủy sản
Trước khi bão đổ bộ
Thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh bão làm hư hỏng lồng. Trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng, gió. Bố trí neo đậu tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng chống lụt bão của cơ quan quản lý địa phương.
Che chắn mặt lồng bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp sao cho không để thủy sản nuôi lọt ra ngoài khi có thiên tai. Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi (3-5kg) trước dòng chảy để phòng bệnh cho thủy sản nuôi.
Sơ tán người lao động về nơi trú ẩn an toàn, đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.
Khắc phục hậu quả sau bão
Kiểm tra các yếu tố môi trường nước nơi đặt lồng nuôi, đảm bảo các yếu tố nằm trong ngưỡng cho phép. Di chuyển lồng về lại vùng nuôi (với trường hợp trước bão phải di chuyển để tránh bão).
Kiểm tra, vệ sinh hệ thống dây neo, phao lồng, lưới đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Với ngao (nghêu) nuôi bãi triều ven biển
Trước khi bão đổ bộ
Khẩn trương thu hoạch nhuyễn thể đã đạt kích cỡ thương phẩm. Gia cố chắc chắn lưới, đăng chắn tránh để ngao thất thoát.
Gia cố các chòi canh, đảm bảo an toàn cho người lao động ở trên chòi.
Tuân thủ nghiêm yêu cầu vào bờ khi có lệnh của ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương.
Khắc phục hậu quả sau bão
Khi nước thủy triều xuống, tiến hành kiểm tra, tu sửa đăng, chắn. Sau bão, nghêu thường tập trung vào các góc đăng, chắn, cần san đều ra toàn bãi.
Với tàu khai thác hải sản
+ Khi có tin bão xa: Thuyền trưởng phải thông báo cho thuyền viên biết; Kiểm tra lại các trang thiết bị an toàn trên tàu. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Liên lạc chặt với các Đài thông tin Duyên hải. Thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong khu vực biết để chủ động phòng tránh.
+ Khi có tin bão gần: Thuyền trưởng thông báo cho thuyền viên làm việc trên tàu biết và nhanh chóng thu lưới, rời khỏi ngư trường tìm nơi trú ẩn gần nhất. Thông tin cho các tàu khác đang hoạt động trong khu vực biết. Liên hệ thường xuyên với các Đài thông tin Duyên hải, các Đài ở trong đất liền hoặc các cơ quan phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi cần được hỗ trợ. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị an toàn trên tàu, các dụng cụ cần thiết để giảm sóng và các dụng cụ chống thủng tàu khi cần.
Thường xuyên theo dõi hướng, tốc độ di chuyển của bão để quyết định di chuyển tàu vào nơi đậu an toàn nhất.
Đặc biệt, luôn sẵn sàng và thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần được cứu hộ, cứu nạn.