Triển khai nhiều biện pháp chống buôn lậu lợn
Bên cạnh việc chủ động triển khai các biện pháp chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với động vận, sản phẩm động vật, đặc biệt liên quan đến mặt hàng lợn, cơ quan Hải quan sẽ tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký văn bản chỉ đạo các cục hải quan địa phương và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) triển khai các nhiệm vụ để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm từ lợn qua biên giới, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Trong đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan địa phương, Cục Điều tra chống buôn lậu chủ động tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan; phòng ngừa các hành vi chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt liên quan đến mặt hàng lợn.
Trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan và phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với các sản phẩm nêu trên.
Đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới với các sản phẩm nêu trên tại cửa khẩu, địa bàn đơn vị phụ trách.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), riêng trong tháng 11/2019, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15 nghìn tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với tháng 11/2018.
Tính chung trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam đạt hơn 111 nghìn tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng và 97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương…, từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan…
Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg.