Trong cái khó - Có cơ hội vàng
Chính sách zero-Covid của Trung Quốc trong thời gian qua gây rất nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Nhưng đến thời điểm này, chính sách đó lại tạo thêm cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt.
Tận Dụng Thời Cơ Vàng
Sau hai năm bị kiềm chế vì đại dịch, nhu cầu thủy sản tại các thị trường hồi phục mạnh. Nguồn cung không đủ đáp ứng; lạm phát giá gia tăng; cuộc chiến Nga - Ukraine càng khiến nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn. Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã không bỏ qua thời cơ bằng cách chớp ngay những cơ hội "vàng" để gia tăng xuất khẩu và chốt được các hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.
Trung Quốc đang triển khai chính sách kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, nhiều nhà máy bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thủy sản cho tiêu thụ nội địa và cả chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đang gia tăng. Doanh nghiệp Việt Nam đã khắc phục các khó khăn về thủ tục theo những quy định mới để tăng doanh số - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Tình Hình Xuất Khẩu Thủy Sản
Thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam là Mỹ tăng trưởng 79% đạt trên 266 triệu USD. Tính đến hết tháng 4, doanh thu từ thị trường Mỹ đạt 842 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, các thị trường quan trọng khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm. Trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc tăng hơn 2 lần so với tháng trước đó, đạt 216 triệu USD. Lũy kế 4 tháng ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm cá tra tăng mạnh nhất đến hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt doanh thu 297 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành cá tra đạt trên 950 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2021. Hai thị trường quan trọng nhất đạt mức tăng trưởng đến 3 con số. Cụ thể là Trung Quốc tăng 161% đạt 306 triệu USD, Mỹ tăng 128% đạt hơn 232 triệu USD so với cùng kỳ.
Ngành Tôm Đang Vươn Xa Hơn
Với ngành hàng tôm, VASEP nhận định, hiện nay tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh nhưng với các chính sách ổn định kinh tế của Mỹ thì nhu cầu tôm dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay. Ảnh: Tổng cục thủy sản VN
Với nhu cầu của thị trường trong thời gian tới, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam cũng đã nhanh chóng lên kế hoạch sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đặt hàng. Nhu cầu tôm trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại thị trường châu Âu, thị trường Mỹ và các thị trường cần nguồn thực phẩm cung ứng cho mùa hè - theo ông Hoàng Văn Duy, Công ty TNHH Kết nối Hải sản Mekong.
Hiện đang là thời điểm phần lớn học sinh, sinh viên ở Mỹ và EU có nhiều chuyến dã ngoại thực tế và các nhà nhập khẩu cũng sẽ chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cho mùa thu. Các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này. Do đó người nông dân sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ đà hồi phục của thị trường và nhu cầu của thế giới.
TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIMEX Việt Nam cho hay ; Sự thay đổi trong phương án hoạt động của các mắt xích khá cơ bản chuỗi giá trị con tôm đã tạo ra một luồng sinh khí mới. Từ đó, người nuôi đã chủ động kỹ thuật hơn, thả nuôi gần như quanh năm dẫn đến “lịch thời vụ” trở nên mờ nhạt, ít ai còn quan tâm. Tất cả tạo nên một bước nâng cao về mặt bằng trình độ nuôi tôm ở miền Tây. Thả nuôi giãn ra, dẫn đến không còn tình trạng “nóng sốt” con giống khi đầu vụ như các năm trước đây. Thả nuôi giãn ra và chủ động quy trình nuôi sẽ không còn cảnh thu hoạch ồ ạt, khiến tôm thương phẩm giảm giá do cung cầu; người nuôi sẽ có giá tiêu thụ tốt và doanh nghiệp tôm cũng không bị áp lực ứ đọng nguyên liệu làm giảm chất lượng sản phẩm.