TIN THỦY SẢN

Trồng cỏ nước mặn để cải tạo đất nuôi tôm

Trồng cỏ nước mặn cải tạo đất để nuôi tôm ở ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây. Lê Huy Hải

Mặn xâm nhập sâu và những yếu tố bất lợi khác đã gây thiệt hại nặng đối với phương thức sản xuất lúa trồng trên nền đất nuôi tôm theo mô hình lúa - tôm. Để đối phó với khó khăn này, nhiều nông dân huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã trồng cỏ nước mặn thay thế cây lúa để cải tạo đất tiếp tục nuôi tôm.

Theo UBND huyện An Minh, quy hoạch sản xuất theo mô hình tôm - lúa của huyện là 41.284 ha. Nhưng sản xuất vụ mùa 2016 chỉ gieo cấy lúa lấp vụ trên đất nuôi tôm được 18.976 ha, chiếm khoảng 46% diện tích; trong đó, diện tích lúa chỉ thu hoạch gần 10.000 ha, năng suất 2,3 tấn/ha, số còn lại bị thiệt hại trắng. Nguyên nhân là do thời tiết ít mưa, thiếu nước ngọt rửa mặn, nước mặn xâm nhiễm sâu làm cho nhiều nông dân không gieo trồng được lúa trên nền đất tôm, gây thiệt hại hàng nghìn ha lúa đã xuống giống, ảnh hưởng bất lợi vụ nuôi tôm tiếp sau. 

Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, trên nền đất tôm không lấp lại được vụ lúa và diện tích lúa đã gieo trồng bị chết, tập trung phần lớn ở các xã ven biển Tây. Huyện đã khuyến cáo nông dân không bỏ đất trống, hoang hóa. Đồng thời, vận động và hướng dẫn bà con trồng một số loại cỏ nước mặn như năn tượng, cỏ đuôi phụng, cỏ lông công, cỏ gạo… nhằm cải tạo đất, tạo môi trường tốt để thả tôm nuôi đầu vụ năm 2017. 

Trồng cỏ nước mặn cải tạo đất để nuôi tôm

Theo anh Nguyễn Tấn Đạt, ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh nuôi tôm theo mô hình sản xuất tôm - lúa trên diện tích hơn 1 ha sắp thu hoạch thì vụ mùa này cấy lúa bị thiệt hại trắng do xâm nhiễm mặn, thiếu nước rửa mặn. Nông dân vùng này buộc phải trồng lại cỏ nước mặn để giữ môi trường ổn định; đồng thời, tạo nguồn thức ăn cho tôm. Mặc dù không bằng cấy lúa để cải tạo đất, tạo độ màu mỡ, chất dinh dưỡng cho nuôi tôm, nhưng trồng cỏ cũng thay thế lúa phần nào, không bỏ đất trống, vì như vậy nuôi tôm không đạt hiệu quả, nhất là thiếu nguồn thức ăn, tôm dễ phát sinh dịch bệnh và chết. Dự tính, năm nay, 1 ha tôm nuôi của anh Đạt thu về khoảng 60 triệu đến 70 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất.
Tương tự, nhiều nông dân ở ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây đều cho biết, ngoài ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi, do không gieo trồng được lúa trên nền đất tôm, bà con còn mất đi nguồn lợi lúa khá lớn. Hai nguồn lợi tôm và lúa trên cùng một diện tích sản xuất lúa - tôm chỉ còn có tôm. 

Anh Nguyễn Tấn Đạt, ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, trồng cỏ nước mặn cải tạo đất để nuôi tôm.

Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, trên vùng quy hoạch tôm - lúa, năm nay huyện tập trung chỉ đạo thả tôm giống đúng lịch thời vụ, đạt diện tích khoảng 39.000 ha; phấn đấu sản lượng 17.291 tấn tôm; trong đó, bố trí diện tích nuôi tôm - lúa quảng canh cải tiến ở các xã Đông Hòa, Đông Thạnh, Đông Hưng và Đông Hưng B. Các xã còn lại nuôi tôm - lúa quảng canh truyền thống. Huyện chú trọng xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất 2 mô hình “tôm - lúa quản lý cộng đồng” và “tôm lúa - quảng canh cải tiến” để nhân rộng, thay thế cho sản xuất tôm - lúa truyền thống.

Cùng với đó, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, huyện An Minh đẩy nhanh việc triển khai xây dựng, thi công các dự án công trình thủy lợi nhằm tạo nguồn nước phục vụ sản xuất. Vận động nhân dân làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, đầu tư cải tạo ao nuôi, gia cố bờ bao, tránh rò rỉ nước để sản xuất đạt hiệu quả; khuyến cáo, vận động nông dân chủ động rửa mặn cấy lấp lại lúa trên nền đất tôm nhằm tạo môi trường ổn định, bền vững cho sản xuất tôm - lúa.

Lê Huy Hải Báo DTMN