TIN THỦY SẢN

Trồng trọt dưới tán rừng

Những cây hồng quân trồng dưới tán rừng của anh Minh đã bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên. Ánh Nguyên

Thời gian qua, bằng việc tăng cường các hình thức khuyến nông, khuyến lâm đã giúp cư dân vùng Bảy Núi (An Giang) phát triển các mô hình vườn đồi và vườn rừng, nhất là đối với khu vực đồi đất dốc và những nơi có điều kiện thích hợp. Bên cạnh giao khoán đất rừng thì việc tạo sinh kế cho các chủ rừng đã giúp việc bảo vệ rừng càng thêm bền vững.

Sản xuất nông - lâm kết hợp

Ở khu vực đồi núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang), mức nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng bình quân khoảng 1 ha/hộ. Với hình thức này, bà con vừa có thể khai thác lợi thế đất đồi dốc để trồng trọt theo mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, vừa giúp các chủ rừng gắn bó với việc chăm sóc, bảo vệ rừng phát triển bền vững. Được giao khoán 9.000m2 đất rừng ở khu vực xã An Phú (Tịnh Biên) để chăm sóc và bảo vệ rừng, anh Hồ Văn Minh (ấp Núi Kéc, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) đã chọn lựa các loại cây trồng để xen canh vào đất rừng. Trừ ra khoảng 3.000m2 diện tích đất nhiều đá và khô cằn, diện tích còn lại anh Minh trồng xen hồng quân, đinh lăng, nghệ xà cừ, nghệ đỏ, cây ngải đen, củ huyền... dưới tán rừng.

Nếu năm nào nhàn rỗi, khi hạt mưa rớt xuống, anh Minh tranh thủ trồng thêm đậu que, đậu đũa... để tăng thêm thu nhập. Theo anh Minh, không riêng gia đình anh mà bà con được giao khoán đất rừng ở địa phương đều cố gắng tận dụng để sản xuất các mô hình trồng trọt. Như vậy, lúc vào mùa khô thì ngày ngày đều tưới nước, dọn đất, chăm bón cây trồng... đây là cách để gắn bó và bảo vệ rừng.

Những cây hồng quân trồng dưới tán rừng của anh Minh đã bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên, giá bán 15.000 đồng/kg. Với 30 cây hồng quân, anh Minh thu được trên 20 triệu đồng. Do chăm bón tốt, kèm thêm đợt mưa vừa rồi, hồng quân cho trái tiếp đợt 2, với giá bán hiện tại là 18.000 đồng/kg, giúp gia đình anh có một khoản thu nhập cho chi tiêu trong gia đình.

Đặc biệt, anh Minh còn trồng thêm cây ngải đen dưới tán rừng, giúp bảo tồn nguồn dược liệu quý của địa phương. Do trồng xen dưới tán rừng, tận dụng được nguồn nước mưa nên cây ngải thích nghi tốt. Sau 5-6 tháng trồng sẽ thu hoạch từ 10-15kg, các nhà thuốc thu lại với giá 35.000-40.000 đồng/kg. “Có năm, tôi trồng thêm cây nghệ đỏ, nghệ xà cừ, đinh lăng... Mình trồng xen canh nhiều loại cây trồng khác nhau, mùa nào cây đó nên bù qua đắp lại cũng có thu nhập” - anh Minh chia sẻ.

Củ huyền xứ núi


Bột huyền tinh đã trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương để giới thiệu với du khách.

Hễ khi trời dứt mưa, cư dân vùng núi Kéc, núi Dài, núi Trà Sư… tất bật thu hoạch nhiều loại củ, quả ở địa phương. Trong đó, việc trồng củ huyền và chế biến bột huyền tinh trở thành nghề truyền thống. Người dân ở đây cho rằng, củ huyền có tính dược, vừa có tác dụng làm mát cơ thể, trị được một số bệnh thông thường nên bột huyền tinh đã trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương khi giới thiệu với du khách gần xa.

Năm nay, bà con trồng củ huyền ở vùng Bảy Núi khá phấn khởi khi vừa được mùa, được giá. Vì bột huyền bán được giá cao hơn so với củ thô, nên đa số người dân đều biết cách thức sơ chế củ huyền thành bột huyền tinh. Thời điểm hiện tại, bột huyền tinh được bán với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg, cao hơn năm trước.

Gia đình chị Lê Thị Hồng Vân (ngụ ấp Núi Kéc, xã Thới Sơn) đã gắn bó với nghề trồng củ huyền hơn 10 năm nay. Trồng, thu hoạch xong lại chế biến thành bột huyền tinh, sau đó lấy bột tiếp tục làm các loại bánh: bánh ít, chè, bánh đúc, hạt trân châu, bánh phục linh...

Hễ thấy mưa rớt hạt, bà con đem củ huyền giống đi trồng, khi mùa mưa kết thúc là chuẩn bị đến mùa thu hoạch. Thời gian sinh trưởng của củ huyền khoảng 6 tháng là có thể thu hoạch, để đến 7-8 tháng sẽ có củ huyền già, lượng tinh bột thu được sẽ nhiều hơn. Nhà chị Vân trồng được 2 công củ huyền, xen trong vườn hồng quân với mô hình vườn đồi, năng suất thu hoạch được 2 tấn/công.

“Bào chế củ huyền lấy bột cực công lắm, nhiều công đoạn và nhân công… Để 1kg bột tinh cần đến 5kg củ thô. Hiện nay, nhờ đầu tư máy xay bột, vắt bột nên bà con nhẹ công hơn. Người sản xuất và chế biến bột huyền phần lớn vẫn thực hiện thủ công, chỉ đưa máy móc vào vài công đoạn, vừa đảm bảo hương vị nguyên gốc và chất lượng củ huyền vốn có xứ núi” - chị Vân thông tin.

Ánh Nguyên Báo An Giang