Trung Quốc thừa nhận làm cạn kiệt tài nguyên thủy sản
Trung Quốc đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản, đặc biệt là cá do khai thác, đánh bắt quá mức.
Trung Quốc khai thác cạn kiệt tài nguyên cá
Ngày 14/8, trả lời đài phát thanh quốc gia, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Han Changfu bày tỏ lo ngại về việc “không còn cá” ở ven biển vùng biển Hoa Đông và ngư dân gặp khó khăn trong việc đánh bắt ở những vùng biển khác.
Theo ông Han Changfu, đã đến lúc hạn chế ngành công nghiệp đánh bắt của Trung Quốc, vốn đang sở hữu đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, để bảo vệ nguồn cá.
Ông Han liệt kê một loạt các hành động chống lại việc phát triển quá mức của ngành công nghiệp đánh bắt, trong đó có kế họach giảm số lượng tàu cá.
“Việc đánh bắt sâu dưới lòng biển ở nhiều đại dương trên thế giới của Trung Quốc phải phát triển theo quy định, giám sát và kỷ luật tự giác chặt chẽ, dần loại bỏ cách sản xuất lỗi thời phá hoại môi trường”, ông Han nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc không đưa ra con số cắt giảm tàu cá cụ thể tuy nhiên, ông nói kế hoạch này sẽ giúp tăng thu nhập của ngư dân.
Thực tế Trung Quốc kiểm soát vùng biển có thể cung cấp ổn định khoảng 8 triệu – 9 triệu tấn cá/năm nhưng có đến 13 triệu tấn cá/năm bị khai thác trong những năm gần đây. Sự cạn kiệt về thủy sản cũng được nhìn thấy ở các con sông của Trung Quốc.
Cụ thể, 4 loại cá hàng đầu Trung Quốc giờ chỉ đẻ 1 tỉ trứng mỗi năm ở sông, giảm từ 30 tỉ trứng so với trước đây, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Sản lượng khai thác thấp đã khiến ngư dân Trung Quốc mở rộng phạm vi đánh bắt sang các vùng tranh chấp hoặc xâm lấn trái phép vùng lãnh thổ các nước.
Mới đây, nhiều hình ảnh cho thấy đội tàu cá Trung Quốc đang càn quét các vùng biển ở châu Phi, phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái và làm suy giảm nghiêm trọng số lượng cá nơi đây.
Những nước như Guinea, khu vực Tây Phi, chỉ có thể bất lực đứng nhìn các hoạt động đánh bắt cá phi pháp táo tợn của Trung Quốc vì không có đủ tài chính để ngăn chặn.
Philippines tính kiện Trung Quốc phá hoại tài nguyên
Không chỉ tàn phá môi trường biển trong khu vực biển Hoa Đông, Trung Quốc còn đang biến các vùng tranh chấp đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng thông qua các hoạt động khai thác, bồi đắp, cải tạo trái phép trên biển Đông.
Trước mối lo ngại trên, giới chức Philippines đang tính các phương án để tiến hành kiện tiếp Trung Quốc ra tòa quốc tế để yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.
Điều này được Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio cho biết hôm 11/8 tại hội thảo được tổ chức ở Manila.
Philippines không nhận được các khoản bồi thường thiệt hại từ Trung Quốc là bởi điều này không được đề cập trong đơn kiện đầu tiên ra PCA.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ở Manila - Ảnh: Reuters
Chính vì thế, theo ông Carpio: "Chúng ta có thể khởi kiện bởi chúng ta nói rằng Trung Quốc đã phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái biển, tòa án đã đồng ý và sẵn sàng mở rộng phạm vi thụ lý. Do vậy chúng ta có thể khởi kiện Trung Quốc ra PCA về những thiệt hại này".
Trước phát biểu của Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, chuyên gia tình báo quân sự Anders Corr thuộc Công ty phân tích rủi ro chính trị Corr Analytics cũng đã gợi ý rằng, nếu Trung Quốc không chịu trả tiền, Manila có thể khởi kiện lên các tòa án tại Mỹ và những nước mà Trung Quốc có tài sản.
Theo lập luận của ông Corr trên tờ Forbes, PCA trong phán quyết ngày 12/7 đã khẳng định một số bãi đá trên Biển Đông là thực thể chìm và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhưng khu vực này bị Bắc Kinh chiếm giữ từ 1995 và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Cộng thêm việc xây dựng trái phép ở nhiều khu vực khác, Trung Quốc nợ Philippines và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hơn 177 tỷ USD.
“Theo ý kiến của tôi, Trung Quốc nợ Philippines 12,4 tỉ USD. Cùng với việc xây dựng trái phép và phá hoại nhiều nhu vực khác, Trung Quốc đã nợ Philippines và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hơn 177 tỷ USD. Nếu Trung Quốc không trả số tiền này, Philippines có thể đệ đơn kiện lên các tòa dân sự ở nước ngoài, như ở Mỹ hoặc các nước Bắc Kinh có tài sản”, ông Corr nhấn mạnh.
Theo ông Corr, điều này đã từng có tiền lệ. Điển hình nhất về việc bồi thường môi trường là vụ Mỹ đền 1,97 triệu USD cho Philippines năm 2015 cho chiếc tàu USS Guardian của Washington mắc cạn và phá hủy hơn nửa hecta san hô của Manila.
Nếu Trung Quốc phớt lờ, Manila có thể dễ dàng kiện lên các tòa dân sự ở nước ngoài để tịch biên các tài sản ở nước ngoài của Bắc Kinh.