TIN THỦY SẢN

Truy xuất nguồn gốc nông sản bằng điện tử

Doanh nghiệp thủy sản ngày càng cần minh bạch thông tin TỐ NHƯ

* Tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam Từ nay đến hết năm 2014, tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh, thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản ở Việt Nam sẽ được hỗ trợ miễn phí hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử. Đây là hình thức truy xuất lần đầu có ở VN.

Với việc truy xuất nguồn gốc theo hình thức mới, doanh nghiệp cần đáp ứng những yêu cầu thế nào và lợi ích họ sẽ được hưởng ra sao? Tất cả được đưa ra thảo luận tại cuộc họp bàn giữa Bộ NN-PTNT và Tổ chức hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) ngày 17/7.

Phải đổi mới mô hình tăng trưởng

Thực trạng các sản phẩm nông sản VN một lần nữa được TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (ipsard) đưa ra mổ xẻ. Theo ông Sơn, nông nghiệp VN là ngành duy nhất xuất siêu trong nhiều năm qua, cho dù vẫn gặp nhiều khó khăn. Dù đứng ở vị thế cao nhưng giá nhiều mặt hàng nông sản VN luôn thấp hơn thế giới, nhất là giá chè, cà phê, gạo…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên bởi thể chế, kênh thị trường chưa hiệu quả, thiếu kết nối giữa các kênh: nhà cung cấp đầu vào, nông dân, thương nhân trung gian, nhà chế biến rồi đến nhà xuất khẩu hoặc nhà bán lẻ. Trong khi VN chủ yếu là nông dân nhỏ lẻ, bán ngay tại ruộng để lấy chi phí thanh toán cho vụ trước. Vì vậy thông tin về thị trường nông sản là mù mờ, gây khó khăn cho người sản xuất cho vụ kế tiếp. Bên cạnh đó, nông sản VN hiện đang tăng trưởng theo hướng đổ nhiều vật tư, bỏ nhiều công sức và cạnh tranh vào thị trường giá rẻ, dễ tính.

Các DN đang tự giẫm chân nhau bởi sản xuất càng nhiều, giá càng giảm. Đây là mô hình cần phải thay đổi nếu như chính các DN không muốn mình ngày càng yếu đi. Và việc nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng giá mới là yếu tố quyết định và cần thiết trong lúc này. "Chúng ta phải thay đổi về mô hình tăng trưởng, không phải dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có nữa mà hướng vào chất xám, khoa học công nghệ và đổi mới quản lý, trong đó truy xuất nguồn gốc điện tử là một hình thức đổi mới” - TS Sơn phân tích.

Không thể do dự

Tuy nhiên, theo Viện trưởng ipsard, phần lớn các DN lại e ngại đăng ký để tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử bởi vì chính DN đó chưa có đủ chuyên môn, họ cũng chưa thấy nếu không áp dụng kỹ thuật này sẽ không vào được thị trường quốc tế, chưa thấy được sức cạnh tranh của mình sẽ bị giảm. Chừng nào cơ sở pháp lý, bộ máy tổ chức nhà nước chưa yêu cầu đây là tiêu chí bắt buộc đối với mỗi DN xuất khẩu và khuyến khích bằng lợi ích cụ thể thì sự tham gia của DN vẫn còn yếu.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản bổ sung thông tin khi cho rằng, mỗi một chính phủ đều có một quy định về truy xuất nguồn gốc khác nhau, nhất là tại EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều có những yêu cầu rất chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất và coi là một yếu tố kiểm tra quan trọng trong sản xuất thực phẩm. Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ là công cụ lưu trữ thông tin lô hàng, là công cụ quảng bá thương hiệu của chính sản phẩm mình. Nó cũng làm cho sản phẩm của DN khác với cơ sở khác để người tiêu dùng dễ lựa chọn, yên tâm sử dụng. Đây cũng là công cụ hỗ trợ cơ quan chức năng dễ dàng, rút ngắn thời gian kiểm tra thông tin sản phẩm của một doanh nghiệp.

Đồng tình và ủng hộ mô hình mới này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, đây là việc làm cần thiết lúc này để các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản hạn chế rủi ro. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, DN cần nhận thức rõ ràng những xu hướng thay đổi đó và cần minh bạch hóa chuỗi sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có chất lượng. Bởi vì chính sự minh bạch sẽ tạo được niềm tin trên thị trường và có nhiều cơ hội để sản phẩm tiêu thụ với giá cạnh tranh hơn ở ngay thị trường khó tính nhất. Thương hiệu của DN, thương hiệu nông sản qua đó cũng ngày càng được khẳng định trên thương trường quốc tế.

+ Ông Armanath Reddy, Cố vấn trưởng của Tổ chức hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu tại Việt Nam: truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ giúp người mua cũng có thể được nhận thông tin về chất lượng nhanh nhất và cung cấp lại cho cơ quan chức năng trong trường hợp thực phẩm có vấn đề; tránh được gian lận trong bán hàng và đảm bảo chất lượng thực phẩm được an toàn hơn. Tuy nhiên, có nhiều DN VN do dự khi áp dụng kỹ thuật mới này.

+ Cơ sở được truy xuất nguồn gốc điện tử cần đảm bảo các yêu cầu: lưu giữ đầy đủ thông tin (tên, địa chỉ và mã số của cơ sở cung cấp lô hàng nhận; thời gian, địa chỉ giao nhận; chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện lô hàng, mẻ hàng) đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.

Riêng đối với lô hàng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến, cơ sở phải đảm bảo lưu trữ thêm thông tin về nước xuất khẩu. Thời gian tối thiểu lưu trữ hồ sơ được quy định: 6 tháng đối với sản phẩm thủy sản tươi sống; 2 năm đối với thủy sản đông lạnh; 1 chu kỳ sản xuất từng đối tượng giống thủy sản…

+ “Việc các doanh nghiệp tham gia vào truy xuất nguồn gốc điện tử nhằm minh bạch thông tin, minh bạch về giá cả, chất lượng, tiêu chuẩn, thị hiếu, tổng cầu là sự cần thiết nhất lúc này” - TS Đặng Kim Sơn.

TỐ NHƯ Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam