TIN THỦY SẢN

Tuyên Quang: Tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi cá lồng trên sông, hồ

Khu nuôi cá chiên của anh Lê Văn Sáng, tổ 7, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) Hải Lâm

Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND, ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó có cá đặc sản, cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành thủy sản tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn vốn giải ngân chưa đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đến hết tháng 3 năm nay, các ngân hàng đã giải ngân 10,568 tỷ đồng, trong đó nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy điện đã giải ngân được 8,988 tỷ đồng cho 95 hộ vay; số lồng vay nuôi cá đặc sản là 259 lồng (254 lồng kích thước 9 -12 m3; 5 lồng kích thước 108 m3); 6 mô hình nuôi cá trong ao, hồ theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ 1,58 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Bình, thôn Bình Thuận, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa (Hàm Yên) cho biết, gia đình ông được vay 125 triệu đồng để chăn nuôi cá chiên từ Nghị quyết 12. Số tiền này, bên cạnh việc đầu tư mua cá giống, gia đình ông đóng mới 3 - 4 lồng cá kích cỡ từ 12 m3 trở lên để chăn nuôi cá chiên đặc sản. Trong hợp tác xã cũng có 4 hộ được vay vốn từ Nghị quyết này, với số tiền cho vay trên 100 triệu đồng trở lên. Hợp tác xã cũng đã hoàn thành các thủ tục cấp chứng nhận VietGAP đối với cá chiên, cá bỗng nuôi lồng của hợp tác xã. Ông Bình cho  biết, việc hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ kinh phí xây dựng chứng nhận VietGAP đã góp phần không nhỏ giúp hợp tác xã đưa sản phẩm cá đặc sản của địa phương đến với các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, việc cho vay nuôi cá đặc sản hiện vẫn còn một số khó khăn. Theo Phòng Kinh tế thành phố Tuyên Quang, qua rà soát từ các hộ chăn nuôi cá lồng trên địa bàn, có gần 40 hộ nuôi cá có nhu cầu vay vốn, nhưng hiện mới chỉ có 4 hộ được giải ngân. Phường Nông Tiến hiện có gần 100 lồng nuôi cá, trong đó chiếm hơn 1 nửa là nuôi các loại cá đặc sản như cá chiên, cá bỗng... Chị Ngô Thị Thu, cán bộ khuyến nông phường Nông Tiến cho biết, trong số hơn 30 hộ nuôi cá lồng trên sông, mới chỉ có 3 hộ là hộ ông Trần Văn Chiến, Đoàn Văn Tân, Lê Thị Oanh ở tổ 7 được vay vốn theo Nghị quyết 12, với tổng số tiền 350 triệu đồng. Theo chị Thu, số tiền này chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu được vay vốn theo Nghị quyết 12 của người dân.

Gia đình anh Lê Văn Sáng, tổ 7 phường Nông Tiến hiện là một trong những hộ có nhiều lồng nuôi cá nhất phường với 11 lồng, trong đó có 4 lồng mới đóng kích cỡ trên 20 m3. Tuy nhiên, qua nhiều lần rà soát, gia đình anh không được vay vốn theo Nghị quyết 12, nguyên nhân là do anh không có tài sản đảm bảo (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), ngân hàng lại không cho phép đảm bảo bằng lồng nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua rà soát, tiến độ thực hiện thẩm định và giải ngân cho vay vốn phát triển nuôi cá đặc sản còn chậm. Nguyên nhân là do nhu cầu vay vốn của người dân lớn, khối lượng hồ sơ và công việc nhiều; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại chậm do đất thuộc mặt nước sông, hồ thủy điện... gặp nhiều vướng mắc. Ông Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cho vay, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận trang trại cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Chi cục Thủy sản tỉnh đang tiếp tục tham mưu với các đơn vị liên quan cho các hộ nuôi cá lồng thế chấp tài sản bằng các lồng cá đang nuôi mà không cần thế chấp bằng tài sản trên đất hoặc phải mua bảo hiểm chăn nuôi... 

Hải Lâm Báo Tuyên Quang