TIN THỦY SẢN

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Thu hoạch tôm càng xanh toàn đực Bài, ảnh: Phương Tuấn (Chi cục thủy sản An Giang)

Việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tăng nhanh năng suất vật nuôi với chất lượng cao và ổn định. Ứng dụng CNC vào sản xuất thủy sản ở An Giang là hướng đi đúng và cần thiết trong hiện đại hóa nông nghiệp. Sau 2 năm thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng CNC do UBND tỉnh phê duyệt, kết quả mang lại khá khả quan.

Đối tượng cá tra

Năm 2015, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã thực hiện đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho Trại sản xuất cá tra giống thuộc trung tâm (trại Bình Thạnh cơ sở 2) tại xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) với quy mô 10 héc-ta, công suất 1 tỷ cá tra bột/năm, cung cấp bột giống chất lượng cao cho các hộ ương nuôi.

An Giang đã tiên phong đi đầu trong việc tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP, ngày 5-3-2014 của Chính phủ. Ngày 5-2-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 221/QĐ-UBND, phê duyệt danh sách hộ nuôi cá tra theo chuỗi liên kết thí điểm của Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (Tafishco). Từ đó, dự án đầu tư chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco “sản xuất – chế biến – xuất khẩu” được triển khai thực hiện. Đây là mô hình liên kết đạt hiệu quả cao, giá thành nuôi cá tra của các hộ trong chuỗi liên kết đã giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg. Vì vậy, mô hình chuỗi sản xuất Tafishco được UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho duy trì, mở rộng và nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh những năm tiếp theo.

Đối tượng tôm càng xanh

Từ năm 2014, tỉnh đã giao Trung tâm Giống thủy sản chủ động hợp tác với Tập đoàn Tiran của Israel để sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực. Trung tâm đã nhập đàn tôm cái giả từ Israel về An Giang và tổ chức sản xuất giống tại trại Bình Thạnh cơ sở 1. Năm 2015, cơ sở đã cung cấp trên 15 triệu con post.

Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã nghiên cứu tăng kích cỡ tôm nuôi thương phẩm, giúp tăng hiệu quả kinh tế. Qua triển khai 5 mô hình đều có tỷ lệ sống trên 50%, tỷ suất lợi nhuận đạt cao hơn 90%, kích cỡ tôm thu hoạch đạt hơn 65 gram/con chiếm 80%, tỷ lệ sống trung bình đạt 60-73%, lợi nhuận đạt 85-160 triệu đồng/héc-ta và tỷ suất lợi nhuận đạt trên 100%. Trung tâm dự kiến sẽ tổ chức nhân rộng mô hình tại các vùng quy hoạch nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2018.

Đối tượng cá sặc rằn

Thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thương phẩm cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis Regan, 1909) theo hướng nâng cao kích cỡ sản phẩm khi thu hoạch. Sau thời gian nuôi 8 tháng, mật độ nuôi 30 con/m2, cỡ giống thả là 2-5 gram/con, tỷ lệ sống đạt từ 61,2%, trọng lượng bình quân khi thu hoạch từ 6-7 con/kg, năng suất đạt đến 31 tấn/héc-ta, hệ số FCR là 2.0, tỷ suất lợi nhuận đạt 45%.

Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp Khoa Thủy sản – Trường đại học Cần Thơ thực hiện đề tài “Tuyển chọn giống cá sặc rằn. Đề tài nhằm sản xuất, cung ứng nguồn giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, thịt ngon, tỷ lệ sống cao, hao hụt ít, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Khi đề tài thực hiện thành công sẽ đáp ứng được nhu cầu nguồn giống cho vùng quy hoạch sản xuất cá sặc rằn ứng dụng CNC tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020.

Đối tượng cá điêu hồng

Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã nhập tổng cộng 200kg cá điêu hồng dòng Ecuador từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II. Dòng cá này được viện hợp tác với Trung tâm Di truyền Akvaforsk - Akvaforsk Genetics Centre (AFGC - Na Uy) lai tạo và chọn lọc từ 7 dòng cá rô phi đỏ hiện hữu tại Nam Mỹ. Qua quá trình lai tạo, Trung tâm Giống thủy sản đã tuyển chọn được 15.000 con cá điêu hồng bố mẹ hậu bị từ đàn cá bố mẹ gốc, dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 20 – 30 triệu con giống/năm. Ngoài ra, Trung tâm đã nhập 150.000 con giống cá rô phi ND34 đang được nuôi dưỡng tại Trại giống Bình thạnh cơ sở 1. ND 34 là dòng cá rô phi mới nhất hiện nay có nguồn gốc từ Bộ Nông nghiệp Israel, được lai tạo bằng phương pháp lai xa từ 2 dòng cá O.Aureus (cá rô phi xanh) và O.niloticus (cá rô phi vằn). Cá rô phi ND34 có các đặc tính nổi trội như sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sinh sản cao, tỷ lệ chuyển giới tính đực đạt 100% không sử dụng hormon, tỷ lệ cận huyết thấp. Giống cá này có khả năng thích nghi với độ mặn cao, rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và vùng quy hoạch sản xuất cá rô phi ứng dụng CNC tỉnh An Giang đến năm 2020.

Bài, ảnh: Phương Tuấn (Chi cục thủy sản An Giang) Báo An Giang, 16/09/2016