TIN THỦY SẢN

Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng

Ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc. Ảnh: NT NT

Trong vài năm trở lại đây, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc ngày càng được các hộ dân nuôi trồng thủy sản áp dụng rộng rãi.

Đây là công nghệ nuôi tôm thương phẩm giúp giảm thiểu dịch bệnh, tiết kiệm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, qua đó nâng cao được giá thành sản phẩm và tăng thu nhập tăng đáng kể cho người nuôi.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này tại xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với quy mô 1.000 m2/điểm trình diễn. 

Theo đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu. Đồng thời, được tập huấn chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Công nghệ Semi-Biofloc được hiểu là làm sạch và ổn định môi trường nước bằng vi tảo. Khối Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi; đồng thời ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước.

Để đưa công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, gồm: Hệ thống ao ương, ao nuôi lót bạt, có mái che; có hệ thống quạt nước và oxy đáy (oxy đáy phải hoạt động 24/24). Đồng thời áp dụng quy trình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, ương tôm giống PL12 sau 25 - 30 ngày, đạt kích cỡ từ 600 - 800 con/kg; giai đoạn 2, chuyển từ ao ương sang ao nuôi thương phẩm. Mật độ thả nuôi là 180 - 200 con/m2. Trong quá trình nuôi, người nuôi áp dụng ủ mật rỉ đường tạo độ kết dính thức ăn, nuôi cấy floc cung cấp cho ao nuôi.

Ông Phạm Xuân Phương, thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) chia sẻ: Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vụ vừa qua tôi tiến hành thả 200.000 con giống tôm thẻ chân trắng PL12 khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều (≥ 9 mm/con), có chứng nhận chất lượng theo quy định. Ban đầu, tôm giống được thả ương trong ao có diện tích 200 m2, sau 1 tháng chuyển sang ao nuôi thương phẩm. Đến nay sau 3 tháng, tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%, kích cỡ thương phẩm đạt 65 con/kg, năng suất ước đạt 27,7 tấn/ha, sau khi trừ khấu hao tất cả các chi phí ước tính lợi nhuận đạt 67 triệu đồng.

Tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc. Ảnh: NT

Ông Ngô Đình Thanh, người nuôi tôm tại thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) hi vọng sẽ có nhiều hộ nuôi tôm áp dụng công nghệ này bởi những lợi ích mang lại như hạn chế sử dụng kháng sinh, giảm lượng thức ăn, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tôm thương phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ vậy tôm bán được giá cao và hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể, không sợ bị thua lỗ như trước đây. 

Ông Thanh, cho biết: Trong thời gian triển khai mô hình, tình hình dịch bệnh tôm có chiều hướng gia tăng ở các vùng nuôi lân cận và thời tiết thay đổi bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi tôm. Tuy nhiên, với việc áp dụng kỹ thuật nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc đã được hướng dẫn như lấy nước, xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo floc,… nên tôm phát triển tốt, không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống đạt 89%, ước tính sản lượng đạt 2.540 kg/1.000 m2, thu được khoảng 288 triệu đồng. 

Kết quả mô hình triển khai cho thấy, công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng với ưu thế là các hạt floc có giá trị dinh dưỡng rất tốt, là nguồn thức ăn cho tôm. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của các ao nuôi thấp một phần là nhờ vào nguồn dinh dưỡng bổ sung này. Người nuôi tôm giảm được chi phí sản xuất từ 10 - 15% so với nuôi thông thường nhờ giảm được chi phí thuốc kháng sinh phòng bệnh, thức ăn hao hụt, chỉ sử dụng khoảng 60% lượng nước so với nuôi theo quy trình cũ nuôi. Đồng thời, giảm ô nhiễm nước môi trường nước, kiểm soát dịch bệnh và dư lượng kháng sinh trong tôm thương phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

NT