TIN THỦY SẢN

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất tôm Cà Mau

Nhờ áp dụng các chế phẩm sinh học mà gia đình ông Đường có nhiều vụ nuôi thành công ngoài mong đợi. Nguyễn Phú

Công nghệ sinh học thời gian qua xuất hiện ngày một nhiều trên đồng đất Cà Mau, góp phần to lớn cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Ông Huỳnh Văn Đường, ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình “tuần hoàn nước khép kín” hơn 1 năm qua và là một trong những hộ khá thành công với nhiều vụ trúng lớn. “Có được những thành công như đã qua, phần rất lớn nhờ vào sử dụng men vi sinh và các chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi, từ việc xử lý nước ngoài ao lắng cho đến tôm nuôi”, ông Đường chia sẻ.

Minh chứng cho nhận định của ông là vụ nuôi thành công vang dội vào những tháng đầu năm 2018. Ông cho biết, chỉ 1 ao nuôi 1.200 m2 thu hoạch gần 8 tấn tôm loại 25,3 con/kg. Không chỉ đạt sản lượng mà chất lượng cũng tuyệt vời, tôm khoẻ mạnh, không có tồn dư kháng sinh hay bất cứ thứ gì nên bán được hàng ôxy (tôm sống) với giá thành cao hơn.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết, không riêng gia đình ông Đường, đa số các cơ sở nuôi thuỷ sản, nhất là nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ men vi sinh xử lý môi trường nước trong hoạt động sản xuất, với diện tích khoảng 10 ngàn héc-ta. Một số cơ sở còn áp dụng công nghệ biofloc và quy trình nuôi tuần hoàn nước (RAS) để tăng năng suất nuôi, giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường bên ngoài.

Ông Bằng cho biết thêm, hoạt động xử lý nước thải, chất thải trong nuôi thuỷ sản cũng được người dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý hay sử dụng công nghệ hầm biogas kết hợp vi sinh để chuyển hoá các khí độc từ chất hữu cơ thừa, các chất cặn bã trong ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh thành khí gas, làm khí đốt phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Nguyễn Phú Báo Cà Mau