Ủng hộ quan điểm bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã
Mục Kết nối thiên nhiên với bài Khoanh vùng cứu rùa quý (SGTT ngày 14.8.2013) đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của độc giả. Đa số bạn đọc đồng ý với việc UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định xây dựng trung tâm Cứu hộ và quy hoạch khu bảo vệ sinh cảnh loài rùa Trung bộ tại huyện Bình Sơn, và ủng hộ quan điểm bảo vệ môi trường thiên nhiên và động vật hoang dã của SGTT.
Bạn đọc Trần Thị Lan Trinh (lantrinh_bvdvhd@...com) nhận xét: “Em và các bạn trong hội Bảo vệ động vật rất thích đọc báo Sài Gòn Tiếp Thị vì có chuyên mục bảo vệ động vật thiên nhiên hoang dã. Công việc này rất cần báo chí thông tin để người dân có kiến thức, nâng cao trách nhiệm của mình. Nhiều nước như Singapore hay Hàn Quốc, họ đi trước Việt Nam nên môi trường sống của họ tốt hơn. Ở Việt Nam, ý thức bảo vệ thiên nhiên còn rất yếu, thậm chí có những người còn nghĩ chúng tôi làm chuyện bao đồng, vì con người không lo bảo vệ mà lo bảo vệ thú vật. Chúng ta đang nghe nói đến rất nhiều biến đổi khí hậu, nhiều nước đầu tư cả đống tiền để chống lại điều đó. Đó chỉ là cách “trị bệnh” cho một chuyện đã rồi, chứ nếu như họ ý thức giữ gìn thiên nhiên từ sớm thì đã không tốn kém như bây giờ”.
Đưa ra cảnh báo về nạn săn bắt động vật hoang dã để làm mồi nhậu hay hàng hoá, bạn đọc Bình Lê (binhledsk@...com) cho rằng: “Rắn, rùa… càng ngày càng khó tìm thấy do cơn khát truy lùng chúng để làm đặc sản. Ngoài việc ăn quá nhiều động vật hoang dã, một xu hướng đáng lo ngại nữa là nạn buôn bán động vật hoang dã quý hiếm và các bộ phận cơ thể chúng bất hợp pháp. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ một số loài động vật trên cạn điển hình như voi, tê giác và hổ không chỉ đe dọa những loài động vật đó mà còn đe doạ cả sự yên bình, sức khoẻ và sự thịnh vượng của cư dân sống gần chúng”.
Ủng hộ quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi, bạn đọc Hoàng Dũng Tú (hoangdung...@gmail.com) viết: “Thật đáng khen cho quyết định của Quảng Ngãi bảo vệ loài rùa quý. Hy vọng các tỉnh khác cũng có những quyết định và tấm lòng bảo vệ động vật hoang dã như thế. Mặc dù chúng ta có thể coi thế giới động vật là tách biệt với chúng ta, nhưng cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của chúng lại liên kết chặt chẽ, gắn kết với nhau bằng cả triệu sợi dây vô hình. Cây cối, động vật, con người và môi trường cùng nhau cấu thành một cộng đồng sinh học – một hệ sinh thái – mà trong đó mỗi bộ phận này đều phụ thuộc vào các bộ phận kia để tồn tại. Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ nhoi, mỗi hành động đều có ý nghĩa. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt diệt; chúng cần sự quan tâm và hành động tức thì của chúng ta. Đừng tiếp tay cho vấn nạn này mà hãy giải quyết nó”.