Vai trò của các chất tăng cường chức năng gan trong nuôi trồng thủy sản
Gan là một cơ quan rất quan trọng, đảm trách nhiều chức năng trong cơ thể như tổng hợp protein huyết tương, chuyển hóa các chất dinh dưỡng được hấp thu từ ruột, sản sinh ra các enzyme để điều hòa các hoạt động sinh lý và loại thải các chất độc ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, gan còn sản xuất dịch mật để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Nhiều phản ứng sinh hóa quan trọng được thực hiện tại gan nhằm điều hòa hoạt động trao đổi chất của cơ thể, giúp động vật nuôi sinh trưởng và phát triển một cách bình thường.
Hiện nay, hầu hết các loài thủy sản được nuôi theo mô hình thâm canh với mật độ và năng suất cao. Trong mô hình này, nếu việc quản lý chất lượng nước, thức ăn và sức khỏe kém sẽ gây stress cho động vật thủy sản nuôi. Trong điều kiện như vậy, hoạt động của các tế bào gan sẽ bị ảnh hưởng và chức năng của gan sẽ bị suy yếu. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm, chất độc không được loại thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể nên sức khỏe giảm sút và dễ mẫn cảm với mầm bệnh.
Trong mô hình nuôi thủy sản thâm canh, người nuôi thường cho động vật thủy sản ăn thức ăn công nghiệp hoặc tự chế biến. Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ trung bình hàng năm khá cao, đặc biệt Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng có nhiệt độ và độ ẩm cao quanh năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các loài nấm mốc phát triển và sản sinh độc tố nếu việc bảo quản thức ăn và nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn không phù hợp (độ ẩm cao, nhà kho không thông thoáng, nhiệt độ cao, thời gian bảo quản dài, ...). Sự hiện diện của độc tố nấm mốc trong thức ăn gây tác động xấu đến cơ thể động vật thủy sản nuôi, đặc biệt là gan vì gan là cơ quan phải hoạt động với cường độ cao để loại thải các độc tố này khỏi cơ thể. Tùy theo nồng độ của độc tố nấm mốc mà mức độ ảnh hưởng đến chức năng của gan sẽ khác nhau. Ở mức độ nặng, gan bị xơ nên không thực hiện được chức năng bình thường của nó. Hậu quả là cá chậm hoặc không lớn, sức khỏe yếu, dễ bị bệnh và tỷ lệ chết khá cao. Vì vậy, việc sử dụng các chất tăng cường chức năng gan trong điều kiện nuôi thâm canh với mật độ cao và thức ăn có nguy cơ nhiễm độc tố nấm mốc là điều cần thiết nhằm giảm thiếu những tác hại của các yếu tố này đến hoạt động bình thường của gan.
Các chất thường được sử dụng trong chế phẩm tăng cường chức năng gan trên động vật thủy sản là sorbitol, inositol, choline và methionine. Sorbitol có vai trò kích thích sự tiết mật và các enzyme tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, sorbitol còn kích thích việc tiết ra một số hormone nhằm duy trì hoạt động bình thường của gan và cơ thể. Inositol và choline giúp cơ thể tăng cường việc sử dụng chất béo, làm giảm việc tích lũy chất béo trong gan và cơ thể do thức ăn có nhiều chất béo hoặc tỷ lệ năng lượng/protein cao hơn mức thích hợp (thức ăn chứa nhiều chất bột đường và hàm lượng protein thấp). Hơn nữa, chúng còn giúp tăng cường việc chuyển hóa chất béo tích lũy trong gan thành phospholipid, vừa có tác dụng giảm hàm lượng chất béo trong gan vừa cung cấp phospholipid cho nhu cầu của cơ thể. Một vai trò rất quan trọng của gan là việc loại thải các chất độc sinh ra trong quá trình trao đổi chất, độc tố nấm mốc và kháng sinh sử dụng khi điều trị bệnh nhiễm khuẩn trên động vật thủy sản. Tại gan, những chất độc này được chuyển hóa thành những chất không độc trước khi loại thải ra khỏi cơ thể bằng một loạt các phản ứng sinh hóa phức tạp. Một số phản ứng sinh hóa trong quá trình chuyển hóa chất độc này cần sự hiện diện của nhóm methyl (CH3). Nếu không có nhóm methyl thì các phản ứng sinh hóa này sẽ không thực hiện được. Vì vậy, việc sử dụng methionine và choline trong chế phẩm tăng cường chức năng gan là nhằm cung cấp nhóm methyl cho các phản ứng sinh hóa này. Sự hiện diện của sorbitol, inositol, choline và methionine trong chế phẩm tăng cường chức năng gan hỗ trợ gan loại thải hiệu quả các chất độc ra khỏi cơ thể và duy trì các hoạt động chức năng ở mức bình thường, giúp động vật thủy sản nuôi sinh trưởng và phát triển nhanh, duy trì tình trạng sức khỏe tốt và ít bệnh.
Tóm lại, trong điều kiện nuôi thâm canh động vật thủy sản nuôi dễ bị stress do mật độ dày, chất lượng nước thay đổi theo chiều hướng xấu, thức ăn bị nhiễm độc tố nấm do điều kiện bảo quản không phù hợp. Chính những yếu tố này sẽ làm suy giảm chức năng gan, làm giảm tốc độ tăng trưởng của động vật thủy sản nuôi và dẫn đến việc giảm lợi nhuận của nghề nuôi thủy sản. Vì vậy, việc sử dụng các chế phẩm giúp tăng cường chức năng gan là cần thiết. Các chế phẩm này nên được sử dụng một cách định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, việc bảo quản thức ăn một cách phù hợp, quản lý tốt thức ăn trong ao nuôi, nuôi với mật độ phù hợp và duy trì chất lượng nước tốt trong suốt quá trình nuôi cũng là những yếu tố rất quan trọng, không những giúp giảm chi phí thuốc và hóa chất sử dụng trong vụ nuôi mà còn giúp động vật thủy sản khỏe mạnh, ít bệnh, mau lơn, đạt năng suất và lợi nhuận cao.