Vai trò và kỹ thuật nuôi sinh khối trùn chỉ
Trùn chỉ giữ nhiều vai trò trong nuôi trồng thủy sản do đó nhu cầu sử dụng rất cao nhưng khả năng cung cấp ngày càng giảm do việc khai thác quá mức, nên cần chú trọng nuôi sinh khối trùn chỉ để đáp ứng thị trường.
Vai trò của trùn chỉ trong nuôi trồng thủy sản
Trùn chỉ có giá trị dinh dưỡng cao (5575 cal/g trọng lượng khô), kích thước cơ thể nhỏ vừa với cỡ miệng cá bột của nhiều loài cá, ấu trùng của giáp xác và dễ tiêu hóa do thành cơ thể trùn chỉ mỏng nên mức độ tiêu hóa trùn chỉ nhanh hơn so với thức ăn công nghiệp. Nhiều trại sản xuất giống cá nước ngọt sử dụng trùn chỉ làm thức ăn cho con giống giai đoạn cá bột lên cá hương thậm chí cả giai đoạn cá hương lên cá giống nhằm tăng tỷ lệ sống cũng như chất lượng của cá giống.
Hàm lượng protein và chất béo trong trùn chỉ chiếm 90% trọng lượng khô. Ngoài ra, hàm lượng dinh dưỡng trong trùn chỉ gồm: protein (57%), chất béo (13,3%), chất xơ thô (2,04%), hàm lượng tro (3,6%), nước (87,7%) và sắc tố carotenoid. Trùn chỉ có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của cá nhanh hơn so với thức ăn tự nhiên khác như Daphnia sp, hoặc Moina sp. Sử dụng trùn chỉ còn cải thiện màu sắc cho các loại cá cảnh nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và sắc tố carotenoid.
Trùn chỉ cũng đóng vai trò quan trọng trong thủy vực như chuyển hoá hợp chất hữu cơ dư thừa. Thức ăn của trùn chỉ chủ yếu là mùn bã hữu cơ, xác bã động vật thối rửa, thực vật và các vi sinh vật do đó trùn chỉ thúc đẩy cải tạo nền đáy ao, góp phần tiêu diệt mầm bệnh gây hại cho đối tượng nuôi sống tầng đáy.
Trùn chỉ sấy khô. Ảnh: 5giay.vn
Kỹ thuật nuôi sinh khối trùn chỉ
Hệ thống nuôi
Máng nuôi kích thước 150 x 15 cm, che lưới màu sẫm để giảm bớt ánh sáng và tránh sự xuất hiện của ấu trùng muỗi lắc.
Môi trường nuôi
Trùn chỉ sinh trưởng và sinh sản tốt ở nền đáy bùn tuy nhiên trong nuôi nhân tạo việc cung cấp 100% đáy bùn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế có thế phối hợp cát mịn và phân bò để tạo ra nền đáy thích hợp đạt hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong kỹ thuật nuôi trùn chỉ, có thể dùng phân bò làm nền đáy nuôi rất tốt, nên đáy nuôi bao gồm hỗn hợp 75% phân bò và 25% cát mịn. Trước đó phân bò có thể ủ yếm khí với chế phẩm sinh học để có sự thay đổi về màu và mùi theo hướng tích cực, giảm mật số cũng như mật độ vi sinh vật, trứng giun sán, giảm ô nhiễm môi trường. Phân bò có hàm lượng dinh dưỡng cao còn có khả năng phân hủy và thẩm thấu vào đất nhanh, giúp tăng độ xốp của đất, cát mịn giúp giảm yêu cầu về oxy, giảm hoạt động của trùn chỉ, giúp lớn và sinh sản nhanh .
Mật độ nuôi
Có thể nuôi ở mật độ lên đến 2.120.000 con/m2
Chăm sóc quản lý
Hệ thống nước chảy liên tục (250ml/phút)
Duy trì hàm lượng Oxy >3ppm
Cách 4 ngày bổ sung phân bò một lần với lượng 250mg/cm2
Nhiệt độ: 28-30⁰C
Dinh dưỡng
Thức ăn: Kết hợp cám gạo với phân bò hoặc có thể nuôi trùn chỉ bằng cá tạp cắt thành từng miếng nhỏ (20% cá : 80% đất) hoặc rau cải (70% rau : 30% đất ). Rau xà lách chứa nhiều chất khoáng, dễ dàng được tiêu hóa và hấp thu,đồng thời cũng tạo được hệ vi sinh vật tiêu hóa trong ruột trùn chỉ. Các nguyên liệu được ủ trong nước trong thời gian 4 ngày giúp quá trình phân hủy nâng cao. Đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng sẽ giúp trùn chỉ lớn và sinh sản khá nhanh.
Cách cho ăn: Hòa thức ăn vào nước và tạt đều vào máng, lượng cho ăn là 5% sinh khối trùn/ngày.
Thu hoạch
Có thể thu hoạch 125 mg/cm2 mỗi 30 ngày nuôi để duy trì mật độ nuôi trong hệ thống là 180 mg/cm2
Thời điểm thu hoạch tối nhất là trước khi trời sáng hoặc sau khi trời tối do giun không thích ánh sáng.
Cách thu hoạch: Dùng bạt che tối trong 15 phút. Khoảng 80% ( chủ yếu là trùn nhỏ ) bám xung quanh khối chất nền, khoảng 20% (trùn lớn ) thường rút vào giữa khối chất nền. Trùn chỉ bị thiếu oxy sẽ gom lại trên tầng mặt chất nền, khi đó sẽ tách trùn chỉ ra khỏi chất nền và tiến hành thu hoạch.